Loại bỏ chi phí không chính thức: Sẽ khó nếu 'dưới không nóng'

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 139 nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế. Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), động thái này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ trở nên vô cùng khó khăn nếu vẫn còn tình trạng 'trên nóng dưới lạnh'.

TS Nguyễn Đình Cung.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành trong thời gian qua - về cả chất lượng cũng như số lượng?

TS Nguyễn Đình Cung: Có thể khẳng định năm 2018 là năm Chính phủ nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó cắt giảm điều kiện kinh doanh được coi như là một cuộc tổng cải cách. Trong đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm được ít nhất 50% số lượng điều kiện kinh doanh hiện hành.

Có nghĩa là, trong số khoảng gần 6.000 điều kiện kinh doanh mà chúng tôi đã tập hợp được vào cuối năm 2017, thì phải cắt giảm để chỉ còn khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh. Nếu nhìn một cách tổng quát từ báo cáo của các Bộ, có thể thấy, hầu hết các Bộ đã hoàn thành mục tiêu nói trên.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quan trọng nằm ở chất lượng của việc cắt giảm đó như thế nào, có tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ra sao. Theo rà soát của chúng tôi ở 5 Bộ thực hiện cắt giảm, khoảng 1/3 số điều kiện kinh doanh được loại bỏ, bổ sung hoặc sửa đổi là thực chất. 2/3 còn lại vẫn chỉ là hình thức.

Ông có thể nói rõ hơn con số 2/3 lượng cắt giảm chỉ là hình thức?

- Cắt giảm hình thức ở đây có nhiều kiểu. Một là các Bộ gộp nhiều điều kiện kinh doanh thành 1 điều kiện, hoặc thay đổi cách viết thể hiện điều kiện kinh doanh, hoặc bổ sung thêm một vài từ so với trước…song về thực chất không làm thay đổi bản chất của điều kiện kinh doanh. Như vậy thay đổi thực chất chỉ được 1/3. Và như vậy, năm tới chúng ta vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh chứ chưa thể dừng lại ở kết quả của năm 2018.

Ảnh minh họa. Choai.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất hơn?

- Theo quan sát của chúng tôi về những thay đổi, cải cách của các Bộ, có đặc điểm biểu hiện rất rõ là: Những Bộ nào mà Bộ trưởng thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và nhạy cảm, nhạy bén với khó khăn của DN và kiên quyết muốn tháo bỏ các rào cản thì tỷ lệ đạt được thực chất cao hơn. Đơn cử như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng. Đáng tiếc là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ thay đổi thực chất hơi thấp (chỉ xấp xỉ 10%).

Trong khi đó, tôi được biết, người đứng đầu ngành nông nghiệp thực sự là một người rất nhiệt huyết, rất muốn thay đổi, muốn cải cách thực sự triệt để nhằm tạo thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Và hơn thế, đây lại là lĩnh vực có nhiều rủi ro, môi trường kinh doanh cần phải được khơi thông một cách mạnh mẽ để các DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, tôi thực sự rất tiếc.

Ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 139 mà Chính phủ mới ban hành?

- Nghị quyết 139 vừa mới ban hành cũng là một nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ trong việc cắt giảm chi phí cho DN cũng như giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của DN. Có thể thấy, Nghị quyết 139 là một nỗ lực tiếp theo cho thấy “sức nóng” từ phía trên đang ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, tôi cho đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nếu ở trên “nóng” mà phía dưới “không nóng”.

Bởi khác với yêu cầu về cắt giảm điều kiện kinh doanh, khi thực hiện Nghị quyết này, vai trò của các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là rất quan trọng, hay nói cách khác ở đây lãnh đạo các địa phương giữ trọng trách vô cùng lớn. Là bởi, thực hiện Nghị quyết này, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ thái độ làm việc của các công chức với DN. Mà thông thường công chức thực hiện nằm ở các cấp sở, cấp huyện.

Theo đó, mối quan hệ giứa công chức và DN phải là quan hệ đối tác, thái độ của công chức với DN phải là thái độ cùng hợp tác, cùng hỗ trợ nhau, lúc đó chi phí không chính thức sẽ giảm. Và chúng ta thực hiện Nghị quyết này phải rất nghiêm, rất kiên quyết. Bất kỳ công chức nào bị phát hiện có dấu hiệu gây khó khăn cho DN là phải thay thế ngay.

Trân trọng cảm ơn ông!

* “Nhiều điều kiện kinh doanh sửa đổi còn gây khó khăn hơn cho DN. Theo đó, vẫn còn nhiều quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu, tạo rủi ro cho DN” - Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, nhận định.

* Kết quả rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh của CIEM cho thấy, có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, 771 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, 111 điều kiện kinh doanh thay thế nhưng bổ sung đến 98 điều kiện kinh doanh và phát sinh, ban hành thêm 29 điều kiện kinh doanh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.

Minh Phương(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/loai-bo-chi-phi-khong-chinh-thuc-se-kho-neu-duoi-khong-nong-tintuc423108