Loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của Văn phòng công chứng

Quy định thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của Văn phòng công chứng bảo đảm chặt chẽ, sát sao để Văn phòng công chứng thực sự là của công chứng viên, kiên quyết loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của Văn phòng công chứng.

Chất lượng công chứng viên chưa đồng đều

Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi). Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quản lý hoạt động công chứng đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tờ trình của Bộ Tư pháp cho biết, đội ngũ công chứng viên tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bố hợp lý. Các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì số lượng văn phòng công chứng vượt quá so với nhu cầu trong khi các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì không thành lập được văn phòng công chứng.

Đồng thời, việc văn phòng công chứng chỉ được hoạt động theo một loại hình duy nhất là công ty hợp danh, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh là công chứng viên đã bộc lộ hạn chế trong việc miễn cưỡng hợp danh vì không còn sự lựa chọn nào khác làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh.

Ảnh minh họa. (ảnh: VGP)

Ảnh minh họa. (ảnh: VGP)

Mặt khác, về danh nghĩa các văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, những công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “mượn danh”, “đi thuê”…

Nguy cơ rủi ro pháp lý

Bên cạnh đó, việc đồng thời tồn tại việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng nhưng có quy định khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực, có nguy cơ tạo rủi ro cho việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực.

Thực tế, hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về bản chất chính là hoạt động công chứng. Văn bản chứng thực có giá trị sử dụng như văn bản công chứng. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng, người thực hiện chứng thực có các tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm thấp hơn hẳn so với công chứng viên.

Tình trạng này tạo ra sự bất hợp lý khi duy trì hai loại hình hoạt động có cùng bản chất, giá trị nhưng lại có hai tên gọi khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Cũng theo Bộ Tư pháp, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch còn quy định cứng, chưa tạo tiền đề trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền còn bị hạn chế bởi nơi cư trú của các bên trong hợp đồng, giao dịch hoặc quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội của bản dịch trong khi công chứng viên không có đủ khả năng kiểm soát về vấn đề này...

Đề xuất 5 nhóm chính sách lớn

Dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, bổ sung mới 3 điều trên tổng số 84 điều, tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn. Cụ thể là: Xác định rõ hơn khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; Phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại những vùng, địa bàn khó khăn; Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại những vùng, địa bàn khó khăn.

Xác định mô hình tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với điều kiện mới; tăng cường quản lý nhà nước về công chứng nhằm bảo đảm phát triển hoạt động công chứng đúng định hướng và bản chất; Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

Một trong những sửa đổi quan trọng được Dự thảo Luật hướng tới là bổ sung quy định loại hình Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, mở rộng cơ hội lựa chọn và thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng.

Đồng thời, quy định thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của Văn phòng công chứng bảo đảm chặt chẽ, sát sao để Văn phòng công chứng thực sự là của công chứng viên, kiên quyết loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của Văn phòng công chứng.

Cũng theo Bộ Tư pháp, trong 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng. Tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.

Chiếm tỷ lệ đáng kể (từ 70-80%) số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác. Qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế, có giá trị đối với các cá nhân, tổ chức.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/loai-bo-tinh-trang-chu-dau-tu-so-huu-va-thao-tung-hoat-dong-cua-van-phong-cong-chung-143943.html