Loại bỏ triệt để rác viễn thông

Trước số lượng cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo, đe dọa, tin nhắn rác đang ngày càng gia tăng mạnh, từ ngày 1/11/2022, người dân có thể nhắn tin, gọi điện phản ánh qua tổng đài mới 156. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, đây là một công cụ hữu hiệu nhằm ngăn chặn vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Hình ảnh minh họa.

Theo Cục Viễn thông, trong 9 tháng năm 2022, tổng đài 5656 đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trong đó, 25.476 lượt phản ánh tin nhắn rác (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021); 177.473 lượt phản ánh cuộc gọi rác (tăng 34,2%).

Đáng lo ngại là trong thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Đặc biệt, các cuộc gọi đòi nợ, thậm chí đe dọa chiếm 12,5% số lượng cuộc gọi rác, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Chuyên gia an ninh mạng cho biết cuộc gọi rác hiện nay là vấn nạn toàn cầu. Trung bình trung bình 1 người Việt Nam nhận 12 cuộc gọi rác mỗi tháng. Từ năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời phối hợp với các nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác bằng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Tuy vậy vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn tồn tại và gây bức xúc cho xã hội, người dùng. Trong khi người dân lúng túng, hoang mang không biết phản ánh, khiếu nại thông tin cho cơ quan nào tiếp nhận nếu bị cuộc gọi lừa đảo, đe dọa, xúc phạm...

Qua điều tra, các cơ quan chức năng xác định, trung bình mỗi tháng có gần 400.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Hiện nay, trong nước có 5.710 cá nhân sở hữu tới trên 100 sim và có 261 cá nhân sở hữu tới hơn 1.000 sim. Đây chính là nguồn cơn số cuộc gọi rác phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, từ mốc 48,4 triệu lên hơn 74,1 triệu.

Mặc dù, từ đầu năm đến nay, hơn 113.000 số thuê bao bị chặn do phát tán gọi rác, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Song, các chuyên gia khẳng định, vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn còn tồn tại nếu các cuộc gọi chưa được định danh rõ ràng. Bởi, hầu hết cuộc gọi rác gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo xuất phát từ thuê bao chưa được định danh.

Vì vậy, dư luận kỳ vọng, tổng đài 156 đi vào hoạt động sẽ trở thành đầu mối để tiếp nhận các phản ánh của người dân và hỗ trợ, xử lý ngay các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các cuộc gọi rác và tin nhắn rác.

Tổng đài 156 là đầu số hoàn toàn miễn phí cước cho người dân, được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Trong thời gian này, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục duy trì song song đầu số 5656 để tiếp nhận phản ánh các tin nhắn rác như hiện nay.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng phải chung tay xử lý khi tiếp nhận các cuộc gọi rác, tin nhắn rác; kiên quyết loại bỏ các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Mặt khác, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, cần phải có cả sự chung tay của người sử dụng. Sự phản hồi của khách hàng chính là sở cứ để cơ quản lý nhà nước và nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số máy lạ, đồng thời trình báo ngay với cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ xử lý.

Tin rằng, với việc ra quân và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà mạng và sự ủng hộ của toàn xã hội, vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác sẽ được xử lý triệt để.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loai-bo-triet-de-rac-vien-thong-post456056.html