Loạn chiến lược phát triển ngành

(TBKTSG) - Thời gian gần đây, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, người ta thi nhau đưa ra các bản quy hoạch chiến lược phát triển ngành. Điều đáng nói là dù chưa biết huy động vốn ở đâu, bằng cách nào nhưng nhiều ngành vẫn cứ lập ra chiến lược, lập ra các dự án với số vốn khổng lồ…

L.Hà Có thể nói, hầu hết các ngành nghề kinh tế hiện nay đều có chiến lược phát triển ngành đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Điều kỳ lạ là thời hạn 2010 không còn xa, nhưng có những ngành chỉ mới đề ra chiến lược cách đây ít lâu! Đã thế, nguồn vốn tính toán cho đầu tư của các ngành này lại lên tới cả tỉ đô la Mỹ! Ngành nào cũng lập chiến lược phát triển chi tiết, như công nghiệp (cơ khí, hóa chất, than, dầu khí, điện…) dự kiến vốn cho đầu tư phát triển đến năm 2010 và 2020 khoảng một chục tỉ đô la; giao thông (hàng không, đường sắt, tàu thủy) cũng cần hơn từng ấy vốn nữa. Nhiều ngành “vẽ” ra chiến lược phát triển thật nhiều, thật hay nhưng khi triển khai thì không biết huy động vốn từ nguồn nào. Điển hình cho tình trạng “đầu voi đuôi chuột” đó là vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, ngành hàng hải đã lập kế hoạch đến năm 2010 sẽ xây dựng 10 cảng biển tổng hợp, với tổng số vốn khoảng 60.000 tỉ đồng! Chưa tính đến bất cập trong quy hoạch như nhận xét của một số chuyên gia (cứ bình quân 300 ki lô mét bờ biển sẽ có một cảng biển tổng hợp trong khi các nước như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc có bờ biển dài hơn Việt Nam, GDP của họ cao hơn cả chục lần, đội thương thuyền của họ có từ vài trăm đến vài ngàn chiếc nhưng cũng chỉ có 5-10 cảng biển), chỉ cần xét dưới góc độ vốn cũng thấy thiếu khả thi. Từ thời điểm ban hành bản chiến lược đến năm 2010, còn chỉ hơn hai năm. Như vậy số vốn 60.000 tỉ đồng sẽ tìm ở đâu, hay chủ yếu lại quay về với ngân sách nhà nước? Trường hợp nói trên mới chỉ là một trong số những căn bệnh “loạn chiến lược” hiện nay. Người ta cứ đua nhau lập kế hoạch, lên chiến lược phát triển, còn nguồn vốn huy động ra sao, ở đâu, như thế nào thì rất mập mờ. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên, khi không ít bản chiến lược phát triển ngành lập ra xong để xếp xó vì không thể thực hiện. Rốt cuộc Nhà nước chỉ hao phí tiền của “chi” cho việc lập quy hoạch, chiến lược… của các ngành. Mà suy cho cùng, đó là tiền thuế đóng góp của người dân cả nước. Phải chăng, việc lập quy hoạch chiến lược phát triển chi tiết dễ kiếm tiền, nên các bản quy hoạch chiến lược mới “đẻ” ra nhiều như vậy?

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/bandocviet/22176/