Loạn mác thực phẩm hữu cơ

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm từ trái cây, rau củ, thịt cá đến các loại sữa, phô-mai được gắn mác “hữu cơ” (organic).

So với nông sản sạch thông thường, thực phẩm hữu cơ được cho là có giá trị dinh dưỡng cao hơn và hữu ích cho sức khỏe. Thêm vào đó, trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn bủa vây người tiêu dùng thì thực phẩm hữu cơ với những yêu cầu nghiêm ngặt từ sản xuất đến chế biến, bảo quản… được nhiều người quan tâm và lựa chọn. Thế nhưng trên thực tế, thực phẩm hữu cơ có gì khác thực phẩm được nuôi trồng theo phương pháp thông thường và có phải sản phẩm nào được gắn mác “hữu cơ” cũng thực sự “hữu cơ”?

Chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm hữu cơ”, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy địa chỉ của một chuỗi các cửa hàng kinh doanh loại thực phẩm này. Trên các trang web chuyên về thực phẩm, hàng loạt sản phẩm được gắn mác hữu cơ từ rau, củ, quả cho đến các loại nước ép trái cây, các loại dầu và nhiều loại thực phẩm khác... Tất cả những sản phẩm này đều có giá bán cao hơn thực phẩm thường, thế nhưng, ngoài vài dòng giới thiệu ngắn gọn về sản phẩm, người tiêu dùng cũng chỉ biết dựa vào “niềm tin” để đánh giá chất lượng.

Mẹo tránh ‘khô vùng kín’ giúp đời sống vợ chồng thăng hoa

Bị ho, đờm, khó thở, hen, COPD lâu mấy cũng "chào thua" mẹo này

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, để đạt tiêu chuẩn hữu cơ cần phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, đáp ứng nhiều tiêu chí như nguồn đất và nguồn nước phải đạt tiêu chuẩn, phải loại bỏ độc tố khi mà tiếp xúc với cây trồng vật nuôi, phải cách ly với khu vực ô nhiễm, loại bỏ hoàn toàn tác động của phân hóa học, thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học…

Ở đây, câu chuyện thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội dẫn đến chuyện khủng hoảng niềm tin trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù giá thành cao hơn nhiều so với thực phẩm thông thường, song nhiều người tiêu dùng vẫn quyết định lựa chọn các loại thực phẩm hữu cơ cho bữa cơm gia đình. Một số doanh nghiệp, một số cá nhân thấy gắn cái mác hữu cơ vào thì bán rau chạy hơn, bán thịt chạy hơn. Có lẽ vì thế mà trên thị trường ngày càng xuất hiện các thực phẩm gắn mác hữu cơ nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm xuất khẩu được cấp chứng nhận hữu cơ đều dựa vào tổ chức nước ngoài.

Chính vì thế, theo các chuyên gia thực phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu cụ thể nguồn gốc của các loại thực phẩm có gắn mác hữu cơ. Bên cạnh đó, về phía cơ quan chức năng, cần phải ban hành một bộ tiêu chí rất rõ ràng về tiêu chuẩn hữu cơ, thứ hai là phải giám sát các tổ chức, các trang trại sản xuất theo tiêu chí đó đảm bảo thì mới công nhận. Cùng với đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu thế nào là hữu cơ và thế nào là quy trình sản xuất hữu cơ. Có như thế chúng ta mới có một thị trường thực phẩm hữu cơ đúng nghĩa phục vụ người dân.

Mạnh Tường

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/loan-mac-thuc-pham-huu-co-n134080.html