Loạn nhãn mác vật tư nông nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã lập lờ nhãn mác, chất lượng thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, phân bón để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại của người tiêu dùng.

Nhái đến 99%

Khoảng 1 tháng trở lại đây, trên thị trường thuốc thú y xuất hiện một số sản phẩm thức ăn bổ sung vitamin, kích thích gia cầm đẻ trứng nhãn hiệu Soluble ADE của Công ty TNHH thuốc thú y quốc tế Đông Nghi (Invet). Điều lạ là những chế phẩm này lại có mẫu mã bao bì giống hệt sản phẩm Soluble ADE nhập khẩu từ Mỹ, có mặt tại VN trên 10 năm nay và rất phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL và miền Bắc.

Hàng nhái của Công ty Invet (gói bên trái) và sản phẩm Soluble ADE nhập khẩu từ Mỹ - ảnh: D.Đ.M

Theo ghi nhận của chúng tôi, bao bì và nhãn mác của hai sản phẩm này giống nhau đến 99%, từ tên gọi, màu sắc đến kích cỡ. Điểm khác biệt duy nhất là phía dưới bao chế phẩm của Công ty Invet có dòng chữ tiếng Việt ghi tên đơn vị sản xuất. Chủ một đại lý thuốc thú y ở TP Tân An (Long An) cho biết: “Chúng tôi phân phối sản phẩm Soluble ADE hơn 10 năm nay, đây là sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Đột nhiên gần đây nhân viên Công ty Invet đến tiếp thị sản phẩm y hệt như vậy, nói là sản xuất trong nước, tôi rất băn khoăn nên không dám mang ra bán”. Được biết, giá sản phẩm nhập khẩu từ 95.000 đồng/gói trong khi sản phẩm nhái rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/gói, mua 10 gói còn được tặng 1 gói và 2 cái áo.

Ông N.T.P, giám đốc một công ty nhập khẩu sản phẩm Soluble ADE từ Mỹ, cho biết: “Ngoài sản phẩm ADE, đơn vị trong nước còn làm nhái sản phẩm Soluble Vitamix, gây ngộ nhận cho người chăn nuôi và làm thiệt hại cho người kinh doanh chân chính. Hiện công ty sản xuất sản phẩm này tại Mỹ là International Nutrition rất bức xúc và đang tiến hành các bước để khởi kiện”.

Trường hợp trên chỉ là một trong hàng loạt vụ việc vi phạm nhãn mác, chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp trên thị trường hiện nay. Theo phản ánh của nhiều nông dân tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (An Giang), vụ đông xuân năm nay mỗi hộ đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng để mua một loại thuốc diệt rầy nâu nhưng càng phun thì rầy nâu càng phát triển khiến năng suất chỉ đạt 3,7 tấn/ha, bằng phân nửa năng suất của vụ đông xuân năm trước. Nhiều nông dân khác tại xã Lê Trì, Vĩnh Lương, An Trà, thị trấn Ba Chúc (An Giang) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trạm khuyến nông huyện Tri Tôn đã xác minh bằng cách lấy mẫu thuốc trừ rầy nói trên phun kiểm nghiệm trên 1.000m2 diện tích lúa có rầy nâu. Tuy nhiên, sau 3 ngày kiểm tra, mật độ rầy nâu không giảm mà còn tăng lên, trạm này đã gửi bản mẫu lên Thanh tra bảo vệ thực vật An Giang để xử lý.

Phân bón giả tràn lan

Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón có hiệu lực từ ngày 14.4. Theo đó, mức xử phạt cao đối với việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả lên đến 150 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón giả nếu có giá trị tương đương 30 triệu đồng trở lên, có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 13.4, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi các quy định về quản lý chất lượng phân bón nhằm siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh phân bón và quản lý sát sao hơn mặt hàng này.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã lấy mẫu các loại phân bón có mặt trên thị trường tỉnh để phân tích và phát hiện 32 mẫu của các đơn vị sản xuất vi phạm về chất lượng sản phẩm. Thanh tra Sở đã xử lý các đơn vị, cơ sở sản xuất có mẫu vi phạm chất lượng với tổng số tiền trên 200 triệu đồng tuy nhiên hiện vẫn còn một số doanh nghiệp, đơn vị vi phạm nhưng không hợp tác với các cơ quan chức năng.

Theo Hiệp hội Phân bón VN, tình hình sản xuất, nhập khẩu phân bón giả, phân bón kém chất lượng gần đây đã giảm nhiều, nhưng đều đặn vài tháng lại phát hiện một số vụ như làm phân kali giả lấy thương hiệu của Công ty Hà Anh ở Thanh Hóa, làm phân bón giả lấy thương hiệu Công ty TSC ở Cần Thơ, giả nhãn hiệu phân bón của Công ty Vinacam ở An Giang, Tiền Giang. Các loại phân bón giả này ghi trên bao bì hàm lượng kali 60% nhưng kiểm nghiệm chỉ có 0,1%! Một số cơ sở làm giả phân lân nung chảy Văn Điển, hàm lượng ghi trên bao bì 15-17% nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có 0,22%.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN - cho biết: “Một số vụ án làm giả phân bón đã bị khởi tố nhưng đến nay việc xử lý vẫn chưa đi đến đâu, cụ thể như vụ Công ty CP thương mại Tân Trường Sinh, HTX Bắc Băng Vương (Hải Dương) đã có quyết định khởi tố nhưng hơn 1 năm nay vẫn còn “im ru”. Đây là thực trạng nhức nhối đối với nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón chân chính nhưng cơ quan chức năng lại chưa thể kiểm soát được”.

Quang Thuần

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/loan-nhan-mac-vat-tu-nong-nghiep-400754.html