Loạn thị trường phân bón

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nông dân tiêu thụ khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại, trong khi khả năng đáp ứng của các nhà máy trong nước là khoảng 7,3 triệu tấn. Do đó, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 3,5 đến 4 triệu tấn phân bón. Trong đó, các loại phân kali, SA do trong nước chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu 100% với số lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

Phân bón giản đang làm loạn thị trường phân bón. Ảnh: minh họa

Phân bón giản đang làm loạn thị trường phân bón. Ảnh: minh họa

Chi phí phân bón hiện chiếm 21-25% trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2021, nước ta chi tới 1,45 tỷ USD để nhập về 4,54 triệu tấn phân bón các loại, gấp 3 lần xuất khẩu. Trong đó, phân bón Trung Quốc chiếm 44,5% tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước.

Thế nhưng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam báo động, có từ 30-50% lượng phân bón giả, kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường. Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp. Ước tính, mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại trên 2,5 tỷ USD do vấn nạn phân bón giả.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều cách để nhận biết, phân biệt giữa phân bón giả với phân bón thật, tùy theo loại phân bón. Nhưng trên thị trường phân bón hiện nay xuất hiện quá nhiều loại hàng giả, hàng nhái khiến nông dân hoang mang trong canh tác. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả vì lợi nhuận quá lớn mang lại.

Trong bối cảnh hiện nay, giá phân bón tăng vọt từ 60-95% so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá thành sản xuất lúa, rau màu tăng 40-60%, khiến người nông dân đang trong tình cảnh chịu tác động “kép” từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả...

Đáng lo ngại là các loại phân bón là hàng thật nhưng chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ bằng 1/10 loại phân bón khác như: phân bón công nghệ cao, phân bón NPK168, phân bón trung lượng, vi lượng... gây hiểu nhầm cho người sử dụng.

Các chuyên gia cho biết, theo quy định của Nhà nước, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. Tuy nhiên, phân bón kém chất lượng nhưng vẫn được bán tràn lan tại các cửa hàng do giá nhập thấp nhưng các cơ quan quản lý không thể xử lý được. Tác hại lớn nhất là nông dân nhầm tưởng rằng đã bón phân rồi cho nên cây không đủ dinh dưỡng để ra hoa, kết quả, cây bị chết do phân bón tồn dư nhiều tạp chất có hại.

Rõ ràng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, hậu quả vô cùng nghiêm trọng và vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả mỗi năm, xử lý vi phạm với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng nỗ lực phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp kinh doanh phân bón giả dường như không xuể. Bởi, có trên 40% doanh nghiệp, hộ kinh doanh phân bón vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa; trên 30% mẫu phân bón được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính, chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư và sẵn sàng xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó nếu bị phát hiện.

Thiết nghĩ, để loại bỏ được vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng. Người nông dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp từ các thương hiệu có uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, kiên quyết không sử dụng hàng hóa trôi nổi.

Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loan-thi-truong-phan-bon-post451912.html