Loạt chi tiết thú vị ẩn giấu trong bom tấn quái vật 'Chúa tể Godzilla'

Bộ phim 'Godzilla: King of the Monsters' chứa đựng nhiều chi tiết thú vị nhằm tri ân thương hiệu phim quái vật kéo dài 65 năm trên màn ảnh rộng của Toho, cùng một số tác phẩm khác.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Godzilla: King of the Monsters

Các tiền đồn của Monarch: Một vài tiền đồn của tổ chức Monarch mang số thứ tự chứa đựng hàm ý năm mà các Titan lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng. Chẳng hạn như tiền đồn 56 ám chỉ Rodan trong Rodan (1956), tiền đồn 61 ám chỉ Mothra trong Mothra (1961), hay tiền đồn 67 ám chỉ Kumonga trong Son of Godzilla (1967)…

Tên thật của Mothra: Trong lần đầu tiên xuất hiện, Monarch đặt cho Mothra biệt danh Mosura. Đây thực chất chính là tên tiếng Nhật của Titan bướm này.

Đứa con của Mothra: Trong loạt tiêu đề báo xuất hiện ở cuối phim, khán giả có thể dễ dàng nhận ra một quả trứng khác của Mothra mới được phát hiện. Đây chính là đứa con của Mothra từng xuất hiện trong bộ ba phim Rebirth of Mothra (1996-1998) của hãng Toho.

Nguồn gốc của Rodan: Trong phim, Rodan thức dậy từ một ngọn núi lửa ở Mexico. Trong phần phim đầu tiên năm 1956, con quái vật cũng xuất hiện rồi biến mất tại ngọn núi lửa Aso ở Nhật Bản.

Cái tên Ghidorah: Cái tên Ghidorah vốn xuất phát từ Hydra trong tiếng Nga. Đây là con quái vật có nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp. Giống như Hydra, Ghidorah trong phim có khả năng tái sinh đầu sau khi bị chặt đứt.

Biệt danh của Ghidorah: Trong phim, các nhà khoa học Monarch ban đầu gọi Ghidorah là Quái vật số không (Monster Zero) giống như các Xiliens ở Invasion of Astro-Monster (1965). Theo đó, chủng tộc ngoài hành tinh ngỏ ý “mượn” Godzilla và Rodan từ Trái đất để chiến đấu với Monster Zero. Tuy nhiên, các phi hành gia sau đó sớm phát hiện ra con quái vật chính là Ghidorah, và tất cả chỉ là một âm mưu của Xiliens.

Nguồn gốc của Ghidorah: Trong khi toàn bộ các Titan đều là sinh vật cổ xưa tồn tại trên Trái đất, thì Ghidorah thực tế lại đến từ ngoài không gian. Trong các tác phẩm của Toho, con rồng ba đầu cũng mang nguồn gốc ngoài vũ trụ và di chuyển qua nhiều hành trình để tiêu diệt mọi sự sống.

Vũ khí mạnh nhất của nhân loại: Trong lúc Godzilla và Ghidorah đối đầu, quân đội quyết định sử dụng loại vũ khí mạnh nhất là bom Oxy để tiêu diệt cả hai quái thú. Đây cũng là thứ vũ khí mà tiến sĩ Daisuke Serizawa (Akihiko Hirata) dùng để trừ khử Godzilla trong phần phim đầu tiên ra mắt năm 1954.

Trạng thái “rực lửa” của Godzilla: Sau khi bị trúng bom Oxy, Godzilla gần như mất mạng. Tiến sĩ Ishiro Serizawa (Ken Watanabe) buộc phải hy sinh thân mình để kích hoạt quả bom nguyên tử nhằm giúp con quái vật có thể hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng cũng khiến các hạt nhân trong cơ thể Godzilla bị quá tải và bản thân sinh vật biến thành quả bom nổ chậm. Hình ảnh Godzilla “rực lửa” (Burning Godzilla) từng xuất hiện trong Godzilla vs. Destoroyah (1995) khi các mỏ Uranium trên Trái đất bị phá hủy.

Gợi nhắc Destroy All Monsters: Ở đầu phim, một nhóm biểu tình giơ bảng hiệu buộc chính phủ và Monarch phải tiêu diệt các Titan thay vì nghiên cứu chúng. Trong đó, khán giả dễ dàng nhận ra dòng chữ “Destroy All Monsters”. Đây cũng chính là tựa phim kinh điển của Toho khi Godzilla kết hợp cùng các quái vật khác tiêu diệt Ghidorah.

Vương quốc dưới biển: Khi tìm đến nơi ở của Godzilla, chiếc tàu ngầm Monarch đi qua một tàn tích khổng lồ của nền văn minh cổ xưa dưới đáy biển. Đây có thể Seatopia trong Godzilla vs. Megalon (1973), hoặc lục địa bí ẩn Mu trong Atragon (1963) của hãng Toho.

Máy bay Argo: Chiếc máy bay Argo hiện đại của Monarch được đặt tên theo con tàu nổi tiếng của thần thoại Hy Lạp, cũng như bộ phim quái vật kinh điển Jason and the Argonauts (1963).

Gợi nhắc Hàm cá mập: Thiết bị Orca do tiến sĩ Emma Russell (Vera Farmiga) phát minh và sử dụng được đặt theo tên con tàu săn cá mập trong tác phẩm kinh điển Jaws (1976).

Dàn quái vật mới: Trong khi nhiều Titan của Godzilla: King of the Monsters được đặt tên theo nguyên tác Toho, thì một số khác do Warner Bros. sáng tạo thêm dựa trên nhiều truyền thuyết khác nhau, như Behemoth trong Kinh thánh, Scylla từ thần thoại Hy Lạp, Quetzalcoatl của người Aztec…

Tượng Panzuzu: Nếu nhìn kỹ những bức phù điêu trong tàn tích mà Godzilla ẩn náu, khán giả dễ dàng nhận ra tượng quỷ Panzuzu nổi tiếng trong bộ phim kinh dị The Exorcist (1973).

Gợi nhắc Kong: Skull Island: Thuyết “Trái đất rỗng” trong Kong: Skull Island (2017) thêm một lần nữa được nhắc lại trong Godzilla: King of Monsters khi tổ chức Monarch kết luận rằng các Titan có thể sinh sống và di chuyển bằng một hệ thống hang động khổng lồ dưới mặt đất.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loat-chi-tiet-thu-vi-an-giau-trong-bom-tan-quai-vat-chua-te-godzilla-post953389.html