Loạt cổ vật cực hiếm của Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên

10 thế kỷ đầu công nguyên là giai đoạn Việt Nam bị đô hộ bởi phong kiến Trung Hoa. Các cổ vật giai đoạn này cho thấy người Việt đã bền bỉ giữ gìn truyền thống văn hóa Đông Sơn, đồng thời linh hoạt tiếp thu thành tố văn hóa mới để giành độc lập vào thế kỷ thứ 10.

Mô hình nhà bằng đất nung, niên đại thế kỷ 1-3 được tìm thấy ở Cầu Giấy, Hà Nội tháng 3/1936, một cổ vật tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên.

Mô hình nhà bằng đất nung, niên đại thế kỷ 1-3, khai quật tại Thiệu Dương, Thanh Hóa năm 1961. Mô hình nhà là đồ tùy táng phổ biến trong các ngôi mộ gạch 10 thế kỷ đầu công nguyên. Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu về đời sống, xã hội, kiến trúc... Việt Nam thời kỳ này.

Ấm vòi voi bằng đồng, niên đại thế kỷ 1-3, khai quật tại xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội. Voi là con vật đặc trưng của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hình tượng voi hầu như không xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa các thế kỷ đầu công nguyên.

Cận cảnh phần vòi tạo hình đầu voi của chiếc ấm đồng.

Chậu tiền Ngũ Thù, niên đại thế kỷ 1-3, khai quật ở Phú Xuyên, Hà Nội. Cùng với Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm du nhập và sử dụng loại tiền tròn lỗ vuông từ Trung Hoa cổ đại.

Tiền Ngũ Thù (trọng lượng 5 thù, tương đương 3,23 gram) là những đồng tiền đầu tiên được lưu hành ở Việt Nam. Việc sử dụng tiền tệ thay cho trao đổi vật ngang giá là một bước tiến quan trọng trong nền kinh tế - xã hội đương thời.

Bình hình thú bằng gốm, niên đại thế kỷ 5-6, khai quật tại xã Ninh Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên, nghề gốm Việt Nam tiếp tục phát triển. Bên cạnh nghề sản xuất gốm Đông Sơn truyền thống đã xuất hiện dòng gốm mới là gốm phủ men.

Ấm có vòi hình đầu gà bằng gốm men xanh ngả vàng, niên đại thế kỷ 5-6. Sự có mặt của hai dòng gốm cũ và mới cho thấy sức sống mạnh mẽ của truyền thống dân tộc cùng sự giao lưu, tiếp thu những tinh hoa văn hóa phương Bắc.

Gương đồng niên đại thế kỷ 1-3, sưu tầm ở Hà Nội năm 1935. Đây là vật dụng thường ngày và cũng là sản phẩm nghệ thuật tinh xảo, phản ánh con mắt thẩm mỹ tinh tế của người xưa.

Cận cảnh các họa tiết trang trí trên mặt sau của chiếc gương đồng nghìn tuổi.

Ngói ống và đầu ngói ống, niên đại thế kỷ 3-4, khai quật tại Luy Lâu, Bắc Ninh năm 2014. Các loại vật liệu xây dựng phong phú, được tìm thấy với số lượng lớn cho thấy Luy Lâu thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn ở Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên.

Bình đồng niên đại thế kỷ 1-3, khai quật tại Phú Xuyên, Hà Nội. Chiếc bình có phong cách trang trí, kỹ thuật đúc mang nhiều nét của văn hóa Đông Sơn, chứng minh cho sự bảo tồn của văn hóa Đông Sơn cho đến những thế kỷ đầu công nguyên.

Điểm đặc biệt của chiếc bình là trên một nửa vành miệng có khắc một hàng minh văn gồm 14 chữ Hán cổ.

Mô hình bếp lò bằng đất nung, niên đại thế kỷ 1-3, khai quật tại Thiệu Dương, Thanh Hóa năm 1965. Các hiện vật trong bài được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/la-doc-cuoi/loat-co-vat-cuc-hiem-cua-viet-nam-10-the-ky-dau-cong-nguyen-807099.html