Loạt dự án khu vui chơi thiếu nhi tầm cỡ ở TP.HCM vẫn nằm trên giấy

Dự án Cung văn hóa thiếu nhi Thủ Thiêm, công viên Sài Gòn Safari được phê duyệt từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đầm lầy hoặc nơi nuôi trâu, bò.

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng, dự án Cung Văn hóa Thiếu nhi với quy mô gần 40.000 m2 tại lô đất 5-2 thuộc khu chức năng số 5 Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vẫn chỉ là bãi đầm lầy mọc đầy cỏ dại. Trong ảnh là lô đất (được đánh dấu đỏ) dự kiến xây dựng công trình hồ trung tâm Thủ Thiêm và Cung Văn hóa Thiếu nhi.

Cung văn hóa thiếu nhi Thủ Thiêm là một trong các công trình điểm nhấn quan trọng của TP Thủ Đức nhưng cho đến nay dự án này vẫn im hơi lặng tiếng. Khi hoàn thành, công trình này sẽ tạo sự phát triển hướng đến các thế hệ trẻ tương lai của TP.HCM, có chức năng phục vụ thiếu nhi TP về học tập, rèn luyện kỹ năng, kiến thức, phát triển năng khiếu nghệ thuật, thể chất.

Hiện tại TP.HCM đang có khoảng 405 công viên, gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu dân cư. Tuy nhiên, các phụ huynh cho rằng họ khó tìm chỗ vui chơi cho trẻ vì đa số công viên gần khu họ sinh sống chưa được đầu tư hợp lý để thân thiện với trẻ em hơn.

Nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở xa trung tâm thành phố chấp nhận di chuyển xa hàng chục km để đến công viên Sala (TP Thủ Đức), Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) vì ở đây có không gian thoáng mát, nhiều cây xanh, hồ nước.

Vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối, công viên Sala thu hút khá đông người dân đến đây vui chơi đặc biệt là các gia đình nhỏ đến đây đi dạo, chụp ảnh vì có sự hài hòa giữa không gian cây xanh, hồ nước, các đài hoa, tiểu cảnh thân thiện môi trường.

Hoạt động cho cá ăn ở khu vực hồ nước ngọt nhân tạo ở công viên Sala (TP Thủ Đức) thu hút nhiều gia đình có trẻ em, các em nhỏ hào hứng liên tục xé bánh mì thả xuống cho đàn cá.

"Tôi thường xuyên chở vợ và con đến đây vui chơi, hóng mát vào những dịp rảnh rỗi. Dù quãng đường di chuyển khá xa nhưng đây là điểm đến yêu thích của gia đình vì không gian thoáng mát, các bé ít phải chen chúc như các công viên gần nhà", anh Kiều Đức Vũ Bảo (ngụ quận 11, phụ huynh của bé Bảo Long) chia sẻ.

Cũng giống anh Bảo, vợ chồng anh Đan (ngụ Gò Vấp) cũng thường xuyên dẫn con nhỏ tới đây vui chơi vào dịp cuối tuần. "Ở các khu công viên gần nhà, các con tôi mỗi khi ra vui chơi thường phải chen chúc, chờ đợi vì không gian vui chơi nhỏ hẹp, chỉ vọn vẹn vài con thú nhún, xích đu. Nên gia đình tôi thà chịu khó đi xa tí để các con được thoải mái chạy nhảy", anh Đan cho biết.

Công viên Sala thuộc Khu đô thị Sala của TP Thủ Đức, nổi tiếng hiện đại, văn minh của TP.HCM. Đây là hạng mục công viên phức hợp gồm hồ nước ngọt, cây xanh, lối đi dạo, cầu và một số công trình nhân tạo chỉ nằm cách dự án Cung Văn hóa Thiếu nhi Thủ Thiêm vài trăm mét.

Vượt quãng đường dài hơn 35 km di chuyển xuống một sở thú tại huyện Đức Hòa (Long An) với hi vọng cho con được tiếp xúc gần với các loài thú được tự do di chuyển ở khu vực bán hoang dã nhưng anh Lê Văn Rô (ngụ Tân Bình, TP.HCM) cho biết cảm thấy hụt hẫng khi nơi đây vẫn còn thiếu nhiều loại động vật như hươu cao cổ, voi và các loài bò sát.

"Tôi đã nhiều lần dẫn con đi chơi ở Thảo Cầm Viên tuy nhiên do các loài thú ở đây chủ yếu là bị nuôi nhốt trong chuồng nhỏ hẹp nên con không hào hứng lắm. Khi nghe thông tin một sở thú dưới Long An có khu vực bán hoang dã với mô hình giống của safari Phú Quốc, tôi liền di chuyển xuống đây nhưng khi tới nơi cũng khá thất vọng vì khu vực bán hoang dã hiện tại chỉ nuôi lác đác vài con hổ trong khi các loài thú khác vẫn nuôi nhốt giống như Thảo Cầm Viên", anh Rô cho biết thêm.

Cách đó hơn 20 km, tại xã An Nhơn Tây (Củ Chi, TP.HCM), dự án Sài Gòn Safari được kỳ vọng là khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD đã được phê duyệt chủ trương từ năm 2004 nhưng đến nay khu vực này vẫn chỉ là nơi nuôi trâu, bò, hoang hóa như bãi đất hoang.

Hiện tại 456,85 ha đất để xây dựng dự án Sài Gòn Safari chủ yếu được người dân tận dụng trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc.

Theo UBND huyện Củ Chi, dự án này kéo dài quá lâu, được cấp phép từ năm 2004, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư, nhưng kêu gọi thu hút đầu tư rất khó, rồi tình trạng dân khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác đền bù giải tỏa… Do đó, huyện đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari (Sài Gòn Safari) có quy mô 456,85 ha sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-du-an-khu-vui-choi-thieu-nhi-tam-co-o-tphcm-van-nam-tren-giay-post1344272.html