Loạt 'ông lớn' thời trang dính nghi vấn lừa dối người tiêu dùng

Lực lượng Quản lý Thị trường vừa kiểm tra và thu giữ hơn số lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc của các chuỗi cửa hàng thời trang tại Hà Nội.

Loạt cửa hàng Seven.AM đóng cửa sau khi bị kiểm tra.

Loạt "ông lớn" bị sờ gáy

Ngày 11/11 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.AM tại Hà Nội. Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm gồm: 5445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 14 ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các showroom đều có tem của sản phẩm Seven.Am, xuất xứ Made in Vietnam, có gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA thời trang Seven.Am".

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho Đoàn kiểm tra Đăng ký nhãn hiệu Seven.Am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064. Toàn bộ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".

Ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc Công ty cổ phần MHA khẳng định: "Toàn bộ sản phẩm của Seven.Am đều được sản xuất trong nước". Đội Quản lý thị trường số 14 đang tiến hành kiểm tra, yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan đến hàng hóa và kiểm đếm các sản phẩm tại cửa hàng. Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Cùng với đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Cùng ngày hôm đó, lực lượng chức năng cũng đến kho niêm phong 4 tấn hàng thời trang Trung Quốc nhái thương hiệu NEM, IFU. Đây là số hàng cách đó vài ngày đã bị lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang đang thay tem giả. Cụ thể, gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Hà - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã thừa nhận việc cắt tem, làm giả hàng hiệu để lừa người tiêu dùng. Theo ông Hà, chủ cơ sở đã không xuất trình được giấy tờ hóa đơn liên quan đến số hàng mang các thương hiệu nổi tiếng như NEM, IFU… Đồng thời ông chủ cũng thừa nhận mua hàng từ Trung Quốc về rồi bóc tem phụ, thay vào đó là tem của các nhãn hàng nổi tiếng.

Ông Hà thông tin thêm đang xác minh có hàng của NEM không? Nếu không phải của NEM thì là hàng giả, còn nếu là của NEM thì phải chờ bên chủ sở hữu đến làm việc. Với IFU cũng phải mời lên để xác minh nguồn gốc hàng hóa. "Tất cả cần phải xác minh và làm rõ. Chúng tôi cũng phải làm việc cẩn trọng, để không làm ảnh hưởng đến uy tín các thương hiệu" - ông Hà nói.

Không để... ngụy biện

Trước nghi vấn sản phẩm của Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác, bán ra thị trường, ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng giám đốc xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. Ông Hải Anh còn cho rằng, việc nhân viên tiến hành cắt mác các sản phẩm đôi khi vì “khách hàng kêu ngứa”, nhưng những chỗ khác ví dụ như sườn các sản phẩm áo, quần thì vẫn còn.

Trong khi đó, đại diện của NEM Fashion cho biết mới nắm được thông tin qua báo chí về việc một cơ sở may mặc ở Long Biên nhập quần áo nước ngoài và thay bằng nhãn hàng của doanh nghiệp Việt, trong đó có một số ít nhãn mác có tên NEM. “Qua tìm hiểu, chúng tôi lại không hề biết đơn vị này. Theo quy định, nếu đúng là đơn vị đó không chứng minh được họ có hóa đơn chứng từ hợp lệ, bản quyền... thì họ đã làm sai”, đại diện hãng cho hay.

Trước lý giải "cắt mác vì khách kêu ngứa" của diễn viên Hải Anh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là ngụy biện bởi việc cắt mác là điều cấm kỵ trong kinh doanh. Chuyên gia nghiên cứu về thị trường bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nộ khẳng định, cách giải thích của của Seven.AM là bao biện, ngụy biện và khó chấp nhận. “Việc Seven.AM giải thích cắt mác do khách hàng kêu bị ngứa là bao biện, ngụy biện. Hành vi này sau khi xác minh, có đầy đủ chứng cứ phải nghiêm trị” - chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Giải thích thêm về tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Vũ Vinh Phú cho rằng hàng Việt Nam đang có tiếng vang thương hiệu tốt trong khi đó hàng nhập khẩu Trung Quốc lại đang có dấu hiệu sa sút nên các doanh nghiệp bất chấp để hưởng lợi.

Cùng quan điểm trên, Thạc sỹ kinh tế Lê Đức Hoàng giải thích nhãn mác là cơ sở dể cơ quan chức năng quản lý sản phẩm. "Việc cắt mác sản phẩm mặc nhiên là sự gian lân thương mại" - ông Hoàng nhấn mạnh. Ông Phạm Bá Dục - Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu gay gắt hơn khi cho rằng, việc Seven.AM nhập hàng Trung Quốc nhưng gán mác "made in Vietnam" là cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/loat-ong-lon-thoi-trang-dinh-nghi-van-lua-doi-nguoi-tieu-dung-4046915-v.html