Loạt sản phẩm công nghệ đột phá nhưng thất bại

Sony Betamax, Google Glass hay Microsoft Zune là những ví dụ cho thấy không phải đi trước đối thủ là yếu tố đảm bảo thành công.

Trong thời kỳ đầu của băng ghi hình, Sony Betamax và VHS là 2 định dạng cạnh tranh trực tiếp, song chiến thắng thuộc về VHS. Thời điểm đó, Betamax vượt trội về chất lượng, kích thước nhỏ gọn hơn VHS. Tuy nhiên, băng Betamax chỉ có thể lưu một giờ video, trong khi VHS cho thời lượng lưu trữ 2 giờ, đủ cho một bộ phim hoặc trận đấu thể thao. Việc Sony giữ độc quyền cấp phép và sản xuất máy đọc băng Betamax cũng là lý do khiến định dạng này thất bại trên thị trường. Ảnh: Silicon UK.

Máy chơi game Pippin nằm trong danh sách sản phẩm đáng quên của Apple. Ra mắt vào năm 1996, thiết bị được sản xuất và phân phối bởi công ty đồ chơi Bandai của Nhật Bản. Pippin chạy trên phiên bản Macintosh rút gọn, hoạt động nhanh và cấu hình mạnh hơn nhiều đối thủ. Tuy nhiên với giá bán 600 USD, gấp 3 lần Nintendo 64 nhưng danh sách game quá hạn chế, không nhiều người mặn mà với sản phẩm. Khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997, Pippin đã bị ngừng sản xuất. Ảnh: Wikimedia.

Năm 2013, giới công nghệ trông chờ màn ra mắt của Google Glass. Đây là kính thông minh với màn hình nhỏ phía trước, cho phép người dùng xem nhanh thông tin mà không cần mở smartphone, bên cạnh camera để chụp ảnh và quay video. Tuy nhiên, công nghệ này chưa bao giờ hoàn thiện. Giá bán 1.500 USD cùng những lo ngại về quyền riêng tư khiến Google Glass không được ưa chuộng. Theo Architectural Digest, thiết bị này thậm chí bị cấm mang vào sòng bạc, phòng thay đồ, rạp chiếu phim và một số địa điểm khác. Dòng sản phẩm bị "khai tử" hoàn toàn vào tháng 3 năm nay. Ảnh: Phandroid.

TwitterPeek là điện thoại nhưng không thể gọi điện, nhắn tin hay gửi email. Ra mắt vào tháng 11/2009 với giá 100 USD, sản phẩm chỉ có thể gửi và nhận tweet trên Twitter. Dù vậy, tính năng này hoạt động rất tệ. Màn hình của điện thoại chỉ có thể hiện 20 ký tự đầu của bài viết. Thao tác đọc tweet đòi hỏi cuộn nhiều lần, người dùng thậm chí không thể truy cập website được gắn trong tweet. Điều quan trọng là hầu hết smartphone năm 2009 đã có thể truy cập và sử dụng Twitter. Cuối cùng, sản phẩm bị ngừng hỗ trợ chỉ sau 3 năm ra mắt. Ảnh: The Drum.

Ra mắt thị trường vào năm 1992, Sony MiniDisc (MD) là định dạng đĩa nhạc cho chất lượng âm thanh tương tự CD nhưng nhỏ gọn hơn và có thể ghi/xóa dữ liệu. Tuy nhiên, máy nghe nhạc MD có giá đắt, lượng album phát hành quá ít. Khi máy nghe nhạc MP3 và đĩa CD-RW (có thể ghi/xóa dữ liệu nhiều lần) trở nên phổ biến vào cuối những năm 1990, số phận của định dạng MD đã an bài. Ảnh: This Does Not Compute.

Sau thành công của iPod vào năm 2001, Microsoft mất 5 năm để tung ra máy nghe nhạc Zune. Sở hữu màn hình lớn, chức năng nghe radio và khả năng chia sẻ nhanh, thế nhưng Zune chưa bao giờ sành điệu và thành công như iPod. Chiến lược quảng bá không hiệu quả, khả năng hỗ trợ kém là những nguyên nhân khiến Zune thất bại. Viên pin CMOS không biết năm nhuận từng khiến hàng chục nghìn máy Zune ngừng hoạt động vào đêm 31/12/2008. Microsoft vẫn ra mắt một số phiên bản Zune trước khi ngừng sản xuất vào năm 2011, khi thị phần dòng máy này chỉ bằng 1/8 so với iPod. Ảnh: StudioYale.

Volvo từng muốn cải tiến xe đạp vào đầu thập niên 1980 bằng cách tạo ra Itera, dùng khung nhựa đúc thay vì kim loại. Tuy nhiên, chi phí sản xuất bất ngờ đội lên, khiến giá bán của Itera cao gấp đôi so với kế hoạch. Xe đạp thường được đặt ngoài trời, do đó khung nhựa trên Itera có thể chảy và nứt dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: PS Auction.

700 USD là giá của chiếc máy ép trái cây thông minh Juicero. Sản phẩm được nhà nghiên cứu thực phẩm tươi sống Doug Evans ra mắt với lời hứa "tái hiện những gì Steve Jobs từng làm với máy tính cá nhân". Ban đầu, Juicero được đón nhận tại Thung lũng Silicon khi thu về gần 120 triệu USD. Người dùng cần đặt túi chứa trái cây được nghiền sẵn để máy chiết xuất chất lỏng. Những gói trái cây được bán độc quyền bởi Juicero, không thể đông lạnh hoặc bảo quản lâu dài. Nhiều người phát hiện có thể bóp túi bằng tay để lấy chất lỏng. Chỉ sau một năm rưỡi, Juicero bị ngừng bán vào 2017. Ảnh: Vanity Fair.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-san-pham-cong-nghe-dot-pha-nhung-that-bai-post1427091.html