Loay hoay chuyện rác thải sinh hoạt

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, rác thải sinh hoạt không chỉ là vấn đề của riêng các đô thị lớn mà còn ở khu vực nông thôn tại Việt Nam. Việc quy hoạch bãi rác, điểm xử lý rác không phù hợp, thiếu đồng bộ từ thu gom, vận chuyển đến công nghệ xử lý, hay thiếu chính sách đồng bộ trong xử lý… là những tồn tại lớn của các địa phương.

Nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Phú Yên do T-Tech chuyển giao công nghệ

Chính sách chưa đồng bộ

Theo Tổng cục Môi trường, hiện nay xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp với tỷ lệ 71%, 13% sử dụng công nghệ đốt, còn lại là các giải pháp khác. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 1m3 rác thải được chôn lấp xuống đất sẽ sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm cũng như môi trường sống của người dân.

TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam - cho biết, ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa, vẫn đang ở tình trạng báo động, chưa được xử lý triệt để. Trước hết, về mặt vĩ mô, quy hoạch điểm xử lý rác tại một số địa phương chưa phù hợp; chính sách của nhà nước chưa đồng bộ; đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp, việc bố trí nguồn vốn không kịp thời, dẫn đến khó thành công. Tiếp theo là công nghệ, trong nhiều năm qua, thông qua các nguồn vốn ODA, nhiều công nghệ từ các nước phát triển như khối G7 được áp dụng tại Việt Nam... Tuy nhiên, công nghệ đó không phù hợp với rác thải của Việt Nam, chưa được phân loại từ đầu nguồn, thành phần rất đa dạng, phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí của nhà nước dành cho nghiên cứu về khoa học - công nghệ lĩnh vực này còn hạn chế…, rất nhiều dự án triển khai nhưng vẫn thất bại.

Một thực trạng khác, trong khi rác của các nước trên thế giới đều được phân loại ngay từ nguồn thì ở Việt Nam, đơn giá thấp, rác lại khó xử lý do chưa được phân loại, chính sách chưa đồng bộ…, dẫn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa đưa ra được giải pháp cho xử lý rác thải sinh hoạt.

Đi tìm giải pháp

Theo TS. Nguyễn Đình Trọng, công tác quy hoạch điểm xử lý rác thải tại mỗi địa phương phải được chú trọng, quan tâm, đảm bảo tính khoa học và tối ưu trong quá trình thu gom, vận chuyển và áp dụng công nghệ, điểm xử lý rác đạt được công suất tối đa với quãng đường vận chuyển thu gom tối ưu nhất. Hiện nay, chi phí chôn lấp rác chỉ khoảng 20 - 25% chi phí đốt rác nhưng hệ lụy cho môi trường và sức khỏe của người dân lâu dài và rất lớn, do vậy không nên chôn lấp.

Để thành công trong công nghệ đốt rác, phải kết hợp đốt rác phát điện và tái chế hạt nhựa, tái chế khác. Đồng thời, nên áp dụng công nghệ Made in Vietnam với chi phí đầu tư thấp, phù hợp, an toàn. Điển hình, công nghệ của T-Tech hiện nay đã được chuyển giao cho 22 tỉnh/thành phố trên cả nước, bắt đầu xuất khẩu từ năm 2018, áp dụng công nghệ đốt, kết hợp tái chế hạt nhựa và phát điện rác để tối ưu trong quá trình đầu tư.

Đặc biệt, do rác thải Việt Nam có nhiệt trị thấp, nếu không có một công nghệ tối ưu, khó có thể thành công trong đốt rác với đơn giá thấp như hiện nay. Do vậy, Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam đã áp dụng nhiều nguyên lý khoa học đồng bộ trong quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất lò đốt rác thải. Nhờ đó, công nghệ lò đốt rác của T-Tech có khả năng xử lý được trên 90% lượng rác thải đưa vào đốt với chi phí rất thấp.

TS. NGUYỄN ĐÌNH TRỌNG - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam: Nhà nước cần có các chính sách nhất quán, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư như thanh toán phí xử lý kịp thời, điều chỉnh hợp lý đơn giá xử lý... để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loay-hoay-chuyen-rac-thai-sinh-hoat-143640.html