Loay hoay giáo dục nghề nghiệp

Những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân.

Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm GDNN. Như vậy, so với năm 2018, giảm 37 cơ sở (giảm 1,2%), tính riêng các cơ sở GDNN công lập giảm khoảng 4,28%. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở GDNN công lập giảm 4,92% so với năm 2018.

Tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN (Ảnh: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM)

GDNN bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước

PGS TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho rằng, hiện nay GDNN bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước.

“Ngay cả tuyển sinh, GDNN tuyển sinh khó, phải chạy vạy. Các trường phải đi đây đi đó tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD-ĐT cũng làm riêng, hệ thống GDNN làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng rẽ, như hai đường thẳng song song, làm sao chúng ta liên kết với nhau được?”, ông Dũng chia sẻ.

Về đào tạo giáo viên, lại xảy ra tình trạng chia cắt theo từng hệ thống: có 6 trường Đại học sư phạm kỹ thuật thì 3 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, 3 trường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

“Hiện nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM không đào tạo giáo viên dạy nghề, GDNN nữa. Vì sao? Vì không có tài chính, không được cung cấp kinh phí. Đó là các ngành nghề của trường không có trong danh mục trường sư phạm.

Trường đầu ngành, đầu tiên của đất nước đào tạo giáo viên dạy nghề mà phải từ bỏ đào tạo giáo viên dạy nghề, thử hỏi như vậy có hợp lý không”, ông Dũng trao đổi.

Tháo gỡ cơ chế cho doanh nghiệp

Ông Bùi Phương Việt Anh - Công ty Phát triển nhân lực EAS cho rằng, GDNN phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, phải coi trọng những yếu tố quyết định. Hiện nay, Luật GDNN được coi là “xương sống”, từ đó nhìn ra mối quan hệ giữa 2 bộ, cần có sự trao đổi các vấn đề về quản lý Nhà nước liên quan đến GDNN.

“Nhiều người nói các em học sinh vào ĐH quá nhiều, các em học sinh không thích giáo dục nghề nghiệp là vô trách nhiệm. Bởi đây là cuộc chơi công bằng giữa GDNN hay ĐH, lỗi không phải ở các em học sinh hay của các trường ĐH, trường nghề. Mà lỗi ở chúng ta chưa cho người dân nhìn thấy rõ vai trò của tri thức, năng lực chứ không phải bằng cấp”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Việt Anh cho rằng cần có sự thay đổi về nhận thức từ cơ quan quản lý chính sách, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xuống đến các cơ quan thực thi. Đào tạo theo nhu cầu thực tế mà xã hội đang cần, chứ không phải theo chương trình đang có.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/loay-hoay-giao-duc-nghe-nghiep-162842.html