Loay hoay khởi động công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam chưa có gì sáng sủa do bất nhất trong cách điều hành và nhận thức của các bộ, ngành về vấn đề hỗ trợ CNHT. Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo Tham vấn dự thảo Nghị định phát triển CNHT, do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư của châu Âu, EU (Mutrap) tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua.

Chính sách không cụ thể

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 500 DN cung ứng cho các ngành công nghiệp xe máy, ô tô, điện tử… Những DN này tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Dù có nỗ lực nhưng ngành CNHT vẫn còn nhiều tồn tại, tỷ lệ cung ứng trong nước cho các ngành ô tô, điện tử, đóng tàu chỉ chiếm từ 10-15%, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng DN tham gia sản xuất trong lĩnh vực CNHT còn quá ít so với tổng số DN trong toàn bộ nền kinh tế…

Thật chua xót sau 3 năm triển khai Quyết định 12, cả nước chỉ có 1 DN được hưởng ưu đãi, mà lại là DN FDI chứ chẳng phải DN trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng mua hàng, Công ty Intel Việt Nam băn khoăn, Intel cũng như các tập đoàn nước ngoài rất muốn mua sản phẩm phụ trợ của Việt Nam để có giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn. Nhưng trong quá trình tiến hành, điểm yếu của các DN Việt Nam là chưa đảm bảo được sự ổn định về chất lượng cũng như thời gian giao hàng.

Nguyên nhân do DN hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng của các DN không đồng bộ xuyên suốt từ trên xuống dưới. “Cần có chính sách hỗ trợ DN đào tạo để giúp DN hệ thống quản lý chất lượng. Việt Nam nên học theo Brunei về việc ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa bằng cách quy định rất rõ trong hồ sơ thầu về tỷ lệ nội địa hóa phải chiếm từ 25-50% giá trị của dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, cần có bộ phận chuyên trách giám sát sát sao việc thực hiện quy định này của các nhà thầu” - ông Bùi Hoàng Điệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC), hiến kế về việc ràng buộc tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án. Theo ông Điệp, các nhà thầu có xu hướng sử dụng các nhà cung cấp nội địa để giảm thời gian giao hàng. Tuy nhiên, các DN CNHT trong nước lại đang gặp khó khăn về vật liệu. Điển hình như ngành cơ khí vẫn chưa chủ động được về phôi và các loại vật liệu đặc biệt. Do vậy không thể cạnh tranh về giá và thời gian giao hàng.

Là một trong những người dành tâm huyết để thúc đẩy các DN CNHT trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua, ông Châu Minh Nguyện, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, tỏ ra khá bi quan về các chính sách hiện hành cũng như tương lai của ngành CNHT. Ông Nguyện cho biết Sở Công Thương Đồng Nai được chỉ đạo triển khai quyết liệt Quyết định 12/2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT, nhưng khi mời DN lên ông không biết nói gì, vì chủ trương có nhưng chính sách không có gì cụ thể.

Chưa hết, nhiều lần Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Văn phòng Chính phủ ra văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ chính sách ưu đãi cho DN, song Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư bác hẳn vì lý do “theo cơ chế hiện hành”.

Kỳ vọng cú hích mới

Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, cho biết lâu nay ngành CNHT phát triển ì ạch do các chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, với các chính sách ưu đãi quy định tại dự thảo Nghị định phát triển CNHT lần này, các DN CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi vượt trội.

Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, DN còn được hỗ trợ về sản xuất, đào tạo, công nghệ, vốn... để đủ sức tham gia vào các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, việc xét duyệt, thẩm tra các dự án CNHT thông thoáng, đơn giản hơn nhằm khuyến khích các DN tham gia vào lĩnh vực này.

Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT, bao gồm: thiết bị, máy móc chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT trong nước chưa sản xuất được; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng; những nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc trong dự thảo cũng đề nghị cho miễn thuế.

Cho đến nay DN trong nước chỉ loay hoay làm được những linh kiện đơn giản
để hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe máy.Ảnh: CAO THĂNG

Một số DN đánh giá các đề xuất chính sách ưu đãi nhằm phát triển CNHT trong Dự thảo nghị định rất được kỳ vọng và nếu trở thành hiện thực sẽ tạo ra cú hích quan trọng. Cụ thể, đối với thuế thu nhập DN, dự thảo đề xuất những dự án sản xuất sản phẩm CNHT sẽ được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư.

Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4. Đối với thuế thu nhập cá nhân, các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ sẽ được miễn 50% thuế so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường với thời gian tối đa 1 năm.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20141004/loay-hoay-khoi-dong-cong-nghiep-ho-tro.aspx