Loay hoay kiểm định khí thải phương tiện giao thông

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều quy định mới nhằm quản lý tốt hơn khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới, nhưng đến nay việc kiểm soát khí thải vẫn gặp vướng mắc do thiếu lộ trình, chế tài để thực hiện.

Những hình ảnh này cho thấy khí thải từ ô tô, xe máy đang là mối nguy hiểm lớn với sức khỏe người dân. Ảnh: ST.

Ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn

Theo dữ liệu mới của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức y tế Thế giới (WHO).

Trong các loại hình phương tiện giao thông đô thị thì xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố và vẫn không ngừng tăng nhanh về số lượng. Xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm không khí.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, mật độ dân số tăng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông kém là những nguồn gây ra ô nhiễm lớn cho không khí. Bên cạnh đó, Việt Nam mới quan tâm tới việc giảm phát thải ô nhiễm từ giao thông động mà chưa quan tâm đến nguồn phát thải giao thông tĩnh. Trong khi đó, ô tô đỗ ở trên đường phát thải ra khí benzen- khí này có thể gây ra bệnh ung thư và khuếch tán ra diện rộng.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô theo Quyết định 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010, song hầu hết các mục tiêu cơ bản của Đề án đến nay đều không đạt được. Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân là do lượng mô tô, xe gắn máy đăng ký mới tiếp tục tăng nhanh đã gây nhiều khó khăn cho việc triển khai. Hơn nữa, đa số người sử dụng chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải mô tô, xe gắn máy và tác dụng, sự cần thiết phải kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm độ bền, hiệu quả hoạt động, giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu.

Đồng thời, phạm vi thực hiện của Đề án quá rộng, bao gồm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM; 17 thành phố loại 1; 24 thành phố loại 2 thuộc 20 tỉnh. Trong khi đó chưa xây dựng được lộ trình thời gian hợp lý.

Áp dụng mức khí thải cao hơn

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tính đến tháng 9/2017, số lượt xe ô tô kiểm định động cơ diesel là 874.367 lượt, trong đó tỷ lệ không đạt là 12,1%; số lượt kiểm định động cơ xăng là 759.243 lượt, tỷ lệ không đạt là 4,11%. Tỷ lệ lượt kiểm định không đạt có xu hướng giảm dần do chất lượng phương tiện được tăng lên do các loại phương tiện hết niên hạn được thay thế bằng phương tiện mới, chủ phương tiện có ý thức bảo dưỡng, sửa chữa giữa chu kỳ và trước khi đi kiểm định. Điều này thể hiện tiêu chuẩn khí thải hiện tại đã không còn mang lại nhiều hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Được biết, hiện có khoảng gần 50 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới, thải ra 80-90% lượng khí CO, HC và các độc tố có trong xăng, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Trong đó, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có lượng xe máy tập trung đông đúc, chiếm khoảng 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy rất cao.

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải lộ trình áp dụng khí thải ở mức 3 đối với phương tiện cơ giới đang lưu hành và phương tiện cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu. Cụ thể, phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG và các loại tương tự) gồm mô tô, xe máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người khuyết tật phải áp dụng mức khí thải 3 kể từ ngày 1/7/2019. Phương tiện lắp động cơ cháy do nén (động cơ diesel và các loại tương tự) phải áp dụng mức 3 kể từ 1/7/2019.

Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô tham gia giao thông gồm ô tô tham gia giao thông lắp động cơ cháy cưỡng bức và động cơ cháy do nén phải áp dụng mức 2 tương ứng với từng loại động cơ kể từ 1/7/2019. Ô tô tham gia giao thông lắp động cơ cháy cưỡng bức và động cơ cháy do nén phải áp dụng mức 3 tương ứng với từng loại động cơ quy định từ 1/7/2022.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sẽ thực hiện kiểm tra đối với các loại xe từ 15 năm tuổi trở lên, sau đó giảm dần. Thời hạn kiểm tra 2 năm một lần tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Việc kiểm tra giao cho các trung tâm đăng kiểm ôtô.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc thực hiện kiểm soát khí thải là rất cần thiết và phải sớm được đưa vào thực hiện để giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình cũng như mức độ thực hiện cần phải được tính toán kỹ. Bởi muốn đề án đi vào cuộc sống, được người dân chấp nhận phải quan tâm đến tính khả thi chứ không thể cứ ban hành rồi không có chế tài để kiểm soát.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/loay-hoay-kiem-dinh-khi-thai-phuong-tien-giao-thong.aspx