Loay hoay kiểm soát 'thuốc đen'

Dù Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định không cho phép sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc không rõ nguồn gốc (mà nhiều chuyên gia gọi đó là 'thuốc đen', 'rác thuốc'), song thực tế vẫn có nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng được đưa vào Việt Nam bằng những con đường không chính thức, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Trong khi, cơ quan chức năng thừa nhận: không dễ để kiểm soát chặt thị trường.

Diễn biến phức tạp

Trao đổi thông tin về loại dược phẩm Trung Quốc được quảng bá hỗ trợ tăng đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối (mà Tổ chức tiêu chuẩn Quốc gia Nigeria xác nhận có trên thị trường nước này) có thành phần nguồn gốc từ con người, nhiều chuyên gia y tế nước ta xác nhận thực chất đó là “Tử hà sa” (nhau thai người). Lương y, BSCK II Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết: Trước đây, trong Đông y có nói đến vị thuốc “Tử hà sa”, tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ y học cổ truyền cũng không dùng đến vị thuốc này nữa. Một trong những nguyên nhân là khó kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ nhau thai. Do vậy “nói thuốc làm từ “thịt người” là không chính xác về mặt ngôn ngữ y khoa”, ông nói.

Điều đáng lo ngại là thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 30.000 loại thuốc lưu hành, mỗi mặt hàng có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau nên lực lượng chức năng không dễ kiểm soát tất cả sản phẩm. Trong khi đó, theo lực lượng chức năng, nhiều mặt hàng là thuốc, thực phẩm chức năng được nhiều người đặt mua từ các website nước ngoài, sau đó xách tay, hoặc vận chuyển bằng đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải về Việt Nam để kinh doanh trà trộn với hàng hóa nhập khẩu hợp pháp hiện nay là rất phổ biến, rất khó kiểm soát.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), thì tình hình sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, lực lượng kiểm soát của Tổng cục Hải quan đã phát hiện 48 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đã thu giữ 195.406 viên tân dược, 616 kg và 12.608 hộp thực phẩm chức năng; 22.568 sản phẩm mỹ phẩm... Qua nghiên cứu, thấy rằng phần lớn các loại tân dược bị bắt giữ đều là loại đắt tiền, sử dụng điều trị cho các bệnh hiểm nghèo nhưng không rõ nguồn gốc nên bắt buộc phải tiêu hủy.

Đó là chưa kể, nhiều địa bàn trọng điểm của buôn lậu trên tuyến biên giới như Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh)... các đối tượng đã tổ chức đóng gói tân dược bằng túi ni-lông đen, cất giấu trong túi xách, xe gắn máy để vận chuyển lậu qua biên giới, sau đó chuyển bằng xe khách về nội địa để tiêu thụ. Việc bắt giữ tân dược nhập lậu thật sự khó khăn do mặt hàng nhỏ gọn, dễ cất giấu, dễ ngụy trang, trong khi phương thức, thủ đoạn của nhiều đối tượng buôn lậu vẫn là lợi dụng đường mòn, lối mở tự phát ở vùng biên để qua mặt lực lượng chức năng.

Tại cửa khẩu là vậy, còn ở thành phố lớn nhất nước, theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường thành phố khi kiểm tra 34 trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng, thì chỉ có một trường hợp không vi phạm. Trong số hàng hóa vi phạm bị tạm giữ 41.040 viên và 13.178 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng có 14.400 viên và 4.456 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định. “Hàng hóa Trung Quốc nhập lậu vào thị trường thành phố ngoài đường bộ còn được phát hiện là hành lý xách tay, hàng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch nhưng gian lận khi khai báo hải quan về chủng loại, số lượng, xuất xứ”, ông Kiếm cho biết.

Thiếu giải pháp triệt để

Để kiểm soát thuốc không rõ nguồn gốc, tại Hà Nội, theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ nay đến hết năm 2018, lực lượng chức năng TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Được biết, từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Y tế thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành, sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại 18 tỉnh, thành. Đồng thời, cũng tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng trên trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm soát và xử phạt thật nghiêm những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đưa các loại thuốc có thành phần nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng từ nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ khi hàng hóa được nhập khẩu theo con đường chính ngạch, có sự quản lý chặt, kiểm tra chặt chẽ, hiệu quả… thì mọi nguy cơ độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng trong nước mới có thể bị ngăn chặn và loại bỏ.

Mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, tự bảo vệ mình bằng cách không sử dụng các loại thuốc trôi nổi trên thị trường không được Bộ Y tế cấp phép, và trình báo tới cơ quan chức năng ngay khi phát hiện các sản phẩm chữa bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/38274002-loay-hoay-kiem-soat-%E2%80%9Cthuoc-den%E2%80%9D.html