Loay hoay sửa đổi thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thu nhập cá nhân (TNCN) là cần thiết, song phải tính toán hợp lý, tránh tình trạng thiếu công bằng, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời đạt được mục tiêu thu thuế đặt ra.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi thuế TNDN theo hướng sửa đổi quy định khấu trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán và không dùng tiền mặt, song LS.Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi cần đề cao tính thuận lợi và đặc biệt là không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

“Thu nhập của cá nhân và pháp nhân khác nhau, nên cần được thừa nhận một cách tối đa. Vấn đề là đảm bảo mục tiêu chống gian lận, chứ không phải can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo sửa đổi cần tính đến giải pháp quản lý thực tế hợp lý, tránh nguy cơ biến một số khoản thuế thu nhập thành thuế giá trị gia tăng, thậm chí quay trở lại hình thức thuế doanh thu như trước đây.

“Chẳng hạn, với thuế chuyển nhượng chứng khoán hoặc phần vốn góp, hay thuế chuyển nhượng bất động sản, thay vì nộp thuế thu nhập, tức là thu thuế dựa theo lợi nhuận, thì lâu nay đã chuyển thành nộp thuế doanh thu, tức là thu thuế dựa theo tổng số giá trị chuyển nhượng, tương tự với thuế thu nhập đối với nhà thầu nước ngoài và các pháp nhân không phải là doanh nghiệp”, ông Đức dẫn chứng.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho hay, quy định mới gây tăng một số chi phí cho doanh nghiệp như chi phí chuyển tiền, chi phí nhân công thực hiện…

“Các doanh nghiệp bảo hiểm thường có nhiều giao dịch loại này, bởi vậy, chi phí sẽ bị đội lên cao. Do đó, chúng tôi đề nghị giữ nguyên mức cũ là trên 20 triệu đồng”, đại diện IAV nói.

Băn khoăn việc sửa đổi quy định về chi phí khi tính thu nhập chịu thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng khống chế tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp phải đi vay vốn để duy trì hoạt động.

“Nếu tính ngay chi phí theo quy định mới sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu thêm một phần chi phí lãi vay không được khấu trừ thuế. Do đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, chẳng hạn tới năm 2020, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn này”, bà Cúc khuyến nghị.

Tương tự, đại diện Ernst & Young Việt Nam cho biết, việc hạn chế vốn vay dựa trên vốn chủ sở hữu sẽ gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.

“Việc sửa đổi quy định nên theo hướng khoản chi phí lãi vay không đủ điều kiện khấu trừ sẽ được kết chuyển sang những năm sau trong thời gian là 5 năm, tương tự như chuyển lỗ. Đến năm thỏa mãn điều kiện thì có để được ghi nhận tăng chi phí thuế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc huy động vốn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp vì đây là khoản chi phí thực của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại diện Ernst & Young Việt Nam đề xuất.

Liên quan đến việc sửa đổi thuế TNCN, cụ thể là sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Chủ tịch VTCA lưu ý, việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN cần được rà xét tổng thể cả về đối tượng chịu thuế và thu nhập chịu thuế, cũng như thuế suất thuế TNCN để đảm bảo tương đồng về mức điều tiết thuế của cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công với thuế suất thuế TNDN.

Theo phân tích của bà Cúc, Luật hiện hành quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu từ dưới 100 triệu/năm không phải nộp thuế TNCN. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì thu nhập đến 108 triệu/năm không phải nộp thuế.

Thuế suất thuế TNDN trước đây là 32%, từ năm 2016 đã điều chỉnh giảm về 20%, nhưng thuế suất thuế TNCN từ khi ban hành Luật năm 2009 đến nay vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế suất từ 5-35% và khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế suất cũng không thay đổi. Để xác định mức điều tiết thuế TNCN thì yếu tố khoảng cách giữa các bậc là rất quan trọng. Việc điều tiết cần được kết hợp song song giữa giảm thuế suất và giãn bậc.

“Riêng yêu tố giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, hiện nay, mức giảm trừ và đối tượng giảm trừ tại Việt Nam gần như cao nhất thế giới, nên chưa cần thiết phải điều chỉnh.

Theo đó, biểu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đã thực hiện giãn ngạch tương đối hợp lý. Tuy nhiên, để tương ứng với thuế TNDN và khuyến khích các cá nhân thực hiện nộp thuế TNCN tự nguyện, đầy đủ hơn thì cơ quan quản lý cân nhắc việc thay các mức thuế suất 35% và 28% bằng mức 30% và 25%”, bà Cúc kiến nghị.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/loay-hoay-sua-doi-thue-thu-nhap-ca-nhan-va-thu-nhap-doanh-nghiep-201039.html