Loay hoay thực hiện giải pháp lệch ca, lệch giờ tại TP HCM

Sau khi tiên phong thực hiện thí điểm lệch ca, lệch giờ làm việc từ năm 2003 đối với 60 công ty và hơn 15 ngàn công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận để giảm kẹt xe cho khu vực, cách đây hơn 4 năm, TP HCM đã chính thức đưa việc bố trí lệch ca, lệch giờ làm việc, học tập vào áp dụng trên địa bàn. Song việc triển khai không được làm một cách quyết liệt nên kết quả thực hiện chẳng đáng là bao.

Triển khai giải pháp bố trí học tập, làm việc lệch ca, lệch giờ vào cuối năm 2007, cả Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GTVT đều nhắm tới đối tượng làm việc trong khối hành chính sự nghiệp; Sở GD&ĐT với đề xuất lệch giờ cho các trường học, còn Ban quản lý các KCN - KCX thành phố vào cuộc với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)...

Đề xuất với thành phố khi đó, ông Trần Quang Phượng trên cương vị Phó ban Thường trực Ban ATGT đã cho rằng phương án không gây xáo trộn giờ giấc làm việc; làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là buổi sáng bắt đầu từ 7h30' hoặc 8h; buổi chiều kết thúc vào lúc 16h; 16h30' và 17h. Riêng bộ phận thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công, phương án được Ban ATGT đưa ra là tiếp tục làm việc như cũ hoặc sáng sẽ bắt đầu từ 9h, chiều kết thúc lúc 15h.

Với các KCN, KCX trên địa bàn, cả kết quả làm việc của Ban quản lý các KCN - KCX rồi kết quả khảo sát ý kiến của Sở LĐ-TB&XH với các doanh nghiệp tại đây và qua kiểm tra thực tế đều cho thấy: hầu hết các KCN, KCX đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều và không gây ùn tắc giao thông.

Thực hiện phương án lệch giờ học, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường học căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí theo khung giờ sau: với bậc học mầm non, giờ học là 8h sáng; giờ ra về vào 16h chiều; bậc tiểu học, buổi sáng vào học lúc 7h30 và tan học lúc 11h30'; buổi chiều học từ 13h30' đến 16h45'; các bậc THCS và THPT sẽ vào học sớm hơn và tan học muộn hơn.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường sẽ bố trí lệch giờ học và giờ ra về giữa các khối lớp từ 5 - 10 phút. Nhưng được trao quyền tự quyết định bố trí lệch ca, lệch giờ nên nơi làm, nơi kêu khó khăn rồi không thực hiện hoặc mỗi đơn vị làm một kiểu gây trùng dẫm giờ làm, giờ tan sở.

Loay hoay đến cuối năm 2009, vấn đề lệch ca, lệch giờ tiếp tục được thành phố nhắc lại. Đề xuất về lệch ca, lệch giờ khi đó, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã cho rằng: Số lượng lao động trong các đơn vị nhà nước và khối kinh tế tư nhân là xấp xỉ nhau, lên tới 200 - 250 ngàn người mỗi lĩnh vực.

Nhưng do mức độ ảnh hưởng của lao động tại các KCN, KCX đến vấn đề ùn tắc giao thông là không cao nên giải pháp lệch ca, lệch giờ chỉ áp dụng đối với lao động trong khối hành chính sự nghiệp, DN Nhà nước… Trong khi trụ sở của các đơn vị hành chính sự nghiệp phân bố đều khắp các quận, huyện chứ không tập trung tại một khu vực hành chính; không tập trung tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm được giải pháp chống ùn tắc giao thông hữu hiệu.

Vì vậy, ông Xê cho rằng, nếu chỉ tập trung thực hiện lệch ca, lệch giờ với đối tượng người làm việc tại khối hành chính sự nghiệp thì kết quả đạt được trong việc giảm ùn tắc giao thông là rất nhỏ. Tuy nhận định như vậy, song ông Xê cũng một lần nữa đưa ra đề xuất: nếu thực hiện lệch giờ, lệch ca làm việc với đối tượng hành chính sự nghiệp, thời gian làm việc sẽ bắt đầu từ 8h hoặc 8h30'; kết thúc vào lúc 16h30' đến 17h, thời gian nghỉ trưa từ 30 - 60 phút. Riêng với DN Nhà nước làm việc lúc 7h và kết thúc lúc 15h30', thời gian nghỉ trưa 60 phút tính vào giờ làm việc…

Vì vậy, một cán bộ ngành GTVT góp ý, để tạo hiệu quả trong việc lệch ca, lệch giờ, thành phố cần mạnh dạn chuyển các cơ quan hành chính sự nghiệp sang làm việc vào lúc 9h sáng và kết thúc vào 6h tối để tách hẳn khỏi giờ cao điểm học sinh sinh viên đi học, công nhân đi làm. Khi đó công nhân sẽ bố trí làm việc từ 6h đến 15h; sinh viên vào học 8h sáng và học sinh vào học lúc 7h.

Khi đã nhận diện được các đối tượng sử dụng phương tiện cá nhân tập trung ra đường vào giờ cao điểm để triển khai lệch ca, lệch giờ nhằm giảm kẹt xe; giảm mật độ xe máy tập trung cùng lúc trên đường. Nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa được làm một cách quyết liệt.

Đến cuối tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cũng chỉ đưa ra được con số có 60 DN và các cụm trường học trên địa bàn duy trì thực hiện lệch ca, lệch giờ. Như vậy, khi cả nguyên nhân gây kẹt xe khiến người dân ngại đi xe buýt và lý do dẫn đến sự gia tăng nhanh về số lượng xe máy trên địa bàn còn chưa được làm giảm, đâu sẽ là cơ sở để TP Hồ Chí Minh hạn chế phát triển xe máy?

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2011/10/158356.cand