Loay hoay tìm đơn vị quản lý

Ba tòa nhà NO1 - NO2 - NO3 Khu tái định cư phường Láng Thượng (ngõ 84 phố Chùa Láng, quận Đống Đa) do Ban quản lý dự án quận Đống Đa (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa) xây dựng khoảng năm 2010, phục vụ di dân khỏi các di tích đình chùa tại quận Đống Đa và giải phóng mặt bằng ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và đầu ngõ 84 phố Chùa Láng. Quá trình sinh sống tại đây người dân gặp nhiều khó khăn trong đó có tình trạng loay hoay tìm đơn vị quản lý để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch.

Tình trạng lộn xộn xung quanh bể nước tòa nhà NO1 Khu tái định cư phường Láng Thượng (quận Đống Đa).

Theo thiết kế, mỗi tòa nhà có 1 bể nước ngầm và từ 1 đến 2 bể trên mái. Thế nhưng, nước chảy đến bể ngầm không đủ nên lượng nước bơm lên bể cao luôn thiếu, nhất là những đợt mất nước do sự cố đường ống sông Đà thì Khu tái định cư ngõ 84 phố Chùa Láng trở thành “vùng khát”. Kiến nghị, kêu cứu mãi với chủ đầu tư và Ban quản lý không mang lại kết quả nào, người dân tự tổ chức Ban tự quản để bảo vệ, vận hành tòa nhà và kịp thời xử lý những sự cố phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Thành - thành viên Ban tự quản nhà NO1 cho biết, quá trình tự quản tòa nhà ông thấy các thiết bị vật tư đường nước ngày càng xuống cấp nhưng không thấy đơn vị nào chịu trách nhiệm sửa chữa. Van đóng mở nước là gang pha thép qua nhiều năm sử dụng đã hỏng, người dân phải thay bằng van đồng. Van phao tự động hỏng trong thời gian dài, kiến nghị mãi chẳng thấy đơn vị nào quan tâm thay thế, người dân phải thay bằng van khóa chủ động, đôi khi sơ suất không kịp khóa nên nước chảy tràn khỏi bể. Đường ống cấp nước cho tòa nhà bằng kẽm, không bảo đảm an toàn khi dẫn nước sinh hoạt, gây ngấm dột ra tường nhà. Tòa NO2 còn có đường ống nước sạch nằm trong đường cống thoát nước thải, chẳng may rò rỉ thì nước bẩn sẽ hòa vào nước sạch. Do thiếu vắng đơn vị quản lý chuyên nghiệp, người dân tận dụng đất trống quanh bể nước trồng cây gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sạch. Những lúc vỡ đường ống nước sông Đà, nước trong bể không đủ bơm lên cao, người dân phải góp tiền mua máy hút chân không hút trực tiếp nước từ đường ống. Để lắp máy bơm hút chân không, phải đục nắp bể đưa đường ống vào trong bể. Năm 2016, đáng nhớ nhất là sự cố bục bể nước ở tòa NO2 khiến hơn 30m2 nước từ trên nóc nhà đổ ào xuống gây ra cảnh ngập lụt ở tầng 11 của tòa nhà.

Một mặt “tự thân vận động” một mặt người dân kiến nghị chủ đầu tư khẩn trương bàn giao hạ tầng sang đơn vị chuyên môn. Ngày 1-8-2017, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa gửi Thông báo số 187 đến tòa nhà, người dân mới biết việc quản lý hạng mục cấp nước sinh hoạt khu nhà ở di dân cao tầng phường Láng Thượng đã được bàn giao sang Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa từ tháng 5-2015. Vậy sao 2 năm qua, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa để người dân “loay hoay” với nước sạch?

Ông Đào Quang Minh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa cho biết, khi mới bàn giao nhà, các tòa tái định cư này còn thưa vắng hộ dân nên Ban quản lý tòa nhà cùng người dân tự chủ động vận hành các hạng mục cho thuận tiện và kịp thời phục vụ sinh hoạt. Cuối tháng 7 vừa qua, ông Minh tiếp nhận công tác quản lý cấp nước tại đây đã kiểm tra thực tế và thấy một số tồn tại như nắp bể bị cậy phá, hành lang bảo vệ quanh bể bị xâm phạm… đã báo cáo xí nghiệp biện pháp khắc phục ngay nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nước và cam kết với người dân sẽ cấp nước đủ tiêu chuẩn sử dụng hiện hành. Về phản ánh chất lượng nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn, ông Minh cho biết đã lấy mẫu nước từ vòi và trong bể chứa đưa đi kiểm nghiệm, khi có kết quả sẽ thông báo đến người dân.

Cuối cùng, cũng có đơn vị nhận trách nhiệm quản lý cấp nước đến Khu tái định cư ngõ 84 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng). Nhưng để một thời gian dài người dân không biết đơn vị chuyên môn chịu trách nhiệm tại tòa nhà để kịp thời phản ánh, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc là thiếu sót của các đơn vị giao nhận hạ tầng kỹ thuật tại đây.

Ngọc Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/875326/loay-hoay-tim-don-vi-quan-ly