Loay hoay tìm lời giải

xuất xóa sổ toàn bộ xăng khoáng, chuyển sang bán xăng E5 đang nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Trong đó, các vấn đề tranh cãi xoay quanh chất lượng xăng E5, nguồn cung loại xăng này liệu có ổn định không khi mà giá sắn nguyên liệu có thể tăng làm ảnh hưởng đến giá bán xăng. Cùng với đó, rất nhiều dòng xe kén xăng liệu có sử dụng được xăng sinh học hiện tại hay không. Đó là những vấn đề mà cuộc chiến giành thị phần của xăng sinh học phải vượt qua.

Xăng sinh học vẫn chật vật đến với người tiêu dùng

Từ 1/1 vừa qua, trên thị trường chỉ còn lưu hành 2 loại xăng là RON 95 (A95 hay Mogas 95) và E5. Giới chuyên gia vẫn nhận định, so với xăng khoáng A95, xăng E5 thân thiện với môi trường và có giá thành thấp hơn. Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609m3 (chiếm tỷ trọng 42%); xăng RON95 đạt khoảng 836.296m3 (chiếm 58%).

Lượng tiêu thụ xăng E5 đã tăng mạnh 33% - 34% so với năm 2017 (là 8% - 9%) nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng áp đảo so với xăng RON95. Tỷ trọng tiêu thụ E5 tại một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu tốt như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (70,93%), Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%), Công ty TNHH Hải Linh (46,24%)… Như vậy có thể thấy, thực tế lượng người dùng RON 95 đang “áp đảo”. Ngược lại xăng sinh học E5 vẫn chưa chiếm được cảm tình của đại đa số. Vẫn có những băn khoăn, lo ngại về chất lượng loại xăng này như “máy không bốc”, “hao hụt nhiều hơn”…

Trước đề xuất chỉ bán hai loại xăng sinh học E5 của các doanh nghiệp xăng dầu, luồng ý kiến trái chiều quanh vấn đề này nhanh chóng “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội facebook, trong đời sống người dân. Việc sớm “xóa sổ” xăng khoáng RON 95 sẽ khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy mình bị tước đi quyền được lựa chọn, đặc biệt đối với người vốn không “mặn mà”, thậm chí lo ngại với chất lượng xăng sinh học E5. Trong khi đó, thị phần của xăng sinh học sau thời gian đưa vào sử dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Đễ xuất chỉ bán xăng E5 gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương mới đây, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã đưa ra đề xuất sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5 RON 92 (xăng E5) và E5 RON 95.

Theo đại diện doanh nghiệp này, khi sản lượng xăng sinh học được đẩy mạnh thì nhà máy sản xuất, phối trộn mới làm việc hết công suất.

Từ đó mới tiến tới giảm chi phí, hạ giá thành, người tiêu dùng sẽ có lợi. Khi sử dụng tất cả xăng sinh học thì tôi cho rằng người dân sẽ không nghĩ đến xăng khoáng nữa. Tiết kiệm được rất nhiều mà bảo đảm vấn đề môi trường, đồng thời cũng giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

Cần làm gì để người tiêu dùng không còn thờ ơ

Điều người dân quan tâm, đó là chất lượng xăng sinh học và giá cả. Một chuyên gia lâu năm về kỹ thuật xe lại bày tỏ lo ngại về khả năng xóa sổ xăng A95. Chuyên gia này cho rằng, xe dùng xăng A95 máy vận hành thoát hơn, bốc hơn và một số dòng xe sang, xe hiện đại khuyến cáo dùng xăng A95 vì sẽ tốt hơn cho kim phun xăng trong động cơ vì kim phun của những dòng xe này được chế tạo tinh xảo nên xăng bẩn, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng.

Một số chuyên gia cho rằng đề xuất “khai tử” xăng RON 95 phù hợp với quy luật của thị trường, thậm chí Việt Nam giờ mới bắt đầu chuyển đổi sang dùng hoàn toàn xăng sinh học là chậm so với thế giới. Tuy nhiên, khi đã chuyển sang dùng xăng sinh học thì giới chức trách phải cam kết đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin để người dân tin dùng xăng sinh học.

Ở các nước, bán xăng sinh học hay xăng gì thì cũng phải tính toán phù hợp với từng loại xe. Cơ quan quản lý hay doanh nghiệp thay vì cứ nói xăng sinh học tốt lắm thì cần hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng. Cụ thể với các xe đời cũ, nếu người dùng có đổ xăng sinh học cũng không phù hợp, không bảo vệ được môi trường.

Còn với cách làm như hiện nay thì đúng là tiền hậu bất nhất, rõ ràng người tiêu dùng cảm thấy chưa tin tưởng và bị hạn chế quyền lựa chọn các mặt hàng phù hợp cho mình để sử dụng là điều hiển nhiên.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng cần phải xem xét, tìm hiểu xem liệu có những trường hợp nào, các dòng xe nào bắt buộc phải dùng RON 95 hay không. Có những người đi xe đắt tiền thì họ cũng không ngại bỏ thêm tiền dùng RON 95 như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, những dòng xe cao cấp rất kén xăng nên muốn loại bỏ xăng A95, cơ quan chức năng cần giải đáp được cho thị trường cũng như người dân những câu hỏi như “liệu các động cơ cao cấp đó có chấp nhận loại xăng E5 hay không”?

Ông Phạm Anh Tuấn - đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA) cho biết, quan điểm của VAMA ủng hộ vì việc này góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ đang cạn kiệt, bảo vệ môi trường vì Etanol giúp xăng cháy sạch hơn và động cơ ôtô có thể sử dụng được E10 mà không bị ảnh hưởng đến vận hành, độ bền.

Trước những lo ngại về chất lượng xăng E5, các chuyên gia tại Việt Nam đã từng khẳng định, xăng E5 thích hợp với mọi động cơ chạy xăng và chỉ tiêu phát thải CO và HC (thành phần gây ô nhiễm môi trường) giảm thiểu rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, để mở rộng thêm các loại xăng E5 cần đảm bảo chất lượng xăng E5, tránh gian lận thương mại trong quá trình pha chế, phân phối.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển sang xăng E5 thời gian qua chưa thấy chứng minh mang lại hiệu quả nào thực tế. Bởi lẽ, giá xăng E5 rẻ hơn xăng RON 95, nhưng so với xăng RON 92 cũ, khoảng cách quá ít, nghĩa là người tiêu dùng không được lợi về kinh tế trong trường hợp này. Trong khi mục đích bảo vệ môi trường, thân thiện động cơ vẫn là dấu chấm hỏi với người tiêu dùng.

Chính phủ nên giảm thuế để xăng E5 có cơ hội giảm giá, thúc đẩy khách hàng mua loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này và nếu Việt Nam muốn giới thiệu E20, E85 giống như Thái Lan thì cần có lộ trình để các nhà sản xuất ôtô chuẩn bị thay đổi sản phẩm cho phù hợp.

Một vấn đề khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn đó là nguyên liệu E100 dùng để phối trộn xăng sinh học hiện mới chỉ có một doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Vậy liệu khi đưa vào sử dụng toàn bộ 2 loại xăng sinh học thì liệu có đủ nguồn cung không. Nếu thiếu nguồn cung thì sẽ ra sao, giá cả được đảm bảo thế nào?

Việt Nam có đủ sắn để cung ứng đủ xăng Etanol đáp ứng yêu cầu của mấy triệu ôtô, xe máy hiện nay hay không? Bên cạnh đó, muốn triển khai cần có căn cứ, Bộ Công thương nếu đề ra như vậy thì căn cứ kỹ thuật như thế nào?

Cẩm Tú

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/loay-hoay-tim-loi-giai-36534