“Lộc” đông con, họa đói nghèo

Ở Thủ đô còn nhiều câu chuyện về các gia đình đông con, dẫn tới nghèo đói và thất học, nguyên do vẫn bởi những quan niệm cổ hủ như tảo hôn, "trọng nam, khinh nữ", "đông con là nhà có phúc".

15 tuổi, khi mà bạn bè cùng trang lứa vẫn chỉ biết cắp sách tới trường thì anh đã phải làm bố. Đến nay, ông bố mới 31 tuổi đã có 5 cô "công chúa", đứa lên lớp 9, đứa vào lớp 1, còn cậu "quý tử" mới tròn một tháng. Bởi thế, Phạm Hải Quân, thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa được người dân địa phương gọi là "người giữ kỷ lục về siêu đẻ". Nhìn gia cảnh của nhà đông con này, không khỏi rầu lòng. Vốn đã nghèo, mẹ mất sớm, lấy vợ ở cái tuổi chưa đủ lớn khôn, cuộc sống chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và thêm thắt bằng việc đan thúng, nhặt đồng nát nên mỗi khi thêm một đứa con chào đời, gánh nặng cơm áo, gạo tiền càng trĩu nặng. Ngôi nhà tuềnh toàng, nhếch nhác như bộ dạng của những đứa trẻ nhưng lại chứa đựng nỗi "khát" con trai đến cháy bỏng suốt 16 năm qua. Chỉ đến khi cậu bé Phạm Ngọc Đức chào đời thì cơn khát mới nguôi ngoai. Chưa kịp vui vì đã có người "chống gậy", 2 vợ chồng cùng 5 cô "công chúa" lại phải rơi vào cảnh khốn đốn vì cu Đức mới được 7 ngày đã phải vào viện vì căn bệnh u nang mạng sườn… Kể đến đây, chị Măng, vợ anh Quân rớt nước mắt, "Nhà em đã nghèo, giờ còn nghèo hơn. Danh sách nợ cứ dài theo ngày tháng, giờ đã hơn 20 triệu rồi. Biết đến bao giờ mới trả xong". Chị Mai Thị Vỹ, cán bộ chuyên trách dân số xã Trường Thịnh cho biết: "Vợ chồng Quân bị sức ép từ gia đình, họ hàng và từ những lời kích bác của dân làng, bạn bè… không vượt qua được quan niệm cổ hủ "trọng nam, khinh nữ". Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng đành bó tay". Cũng trong nỗi niềm như chị Vỹ, chị Hà Thị Tuyết, cán bộ chuyên trách dân số xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ ngậm ngùi nói: "Tư tưởng thích con trai của nhiều người dân, nhất là những gia đình sinh con một bề gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền KHHGĐ". Qua lời kể của chị Hà Thị Tuyết, bức tranh về dân số ở đây thật ảm đạm và công việc của người làm KHHGĐ còn khó trăm bề. Danh sách những gia đình đông con của xã vẫn tiếp tục kéo dài: anh Nguyễn Văn Định (43 tuổi) ở xóm Trại đã có 8 con gái và lần sinh thứ 9, 10 được 2 quý tử; gia đình chị Nguyễn Thị Hin, ở xóm Neo sau 8 con gái là cậu con trai. Có nhà đẻ nhiều không phải vì khát con trai, ví như gia đình anh Hà Huy Đô, ở xóm Giữa có 1 con gái, 5 con trai… Chị Hà Thị Tuyết cho biết, "rất khó thuyết phục đối tượng cố tình sinh con thứ 3 trở lên dùng biện pháp tránh thai. Qua 2 chiến dịch vừa qua, có tới 20% số này "phớt lờ" lời vận động". Vì vậy, từ năm 1993 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Tốt Động không năm nào dưới 20%, năm 2008 còn lên đến 41,2% và dù chưa hết năm 2009 nhưng riêng xóm Đầm tỷ lệ con thứ 3 đã là 75%. Nỗi "khát" con trai của nhiều gia đình đã trở thành vấn đề nhức nhối của ngành dân số - KHHGĐ huyện Mỹ Đức trong nhiều năm nay. Tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú cũng có nhiều "điển hình" đông con như gia đình ông Bạch Ngọc Đống (51 tuổi) có tròn một tá con (11 gái, 1 trai). Hai người con gái của ông khi lấy chồng cũng theo "truyền thống" gia đình, nên đều đã có 3, 4 con và dù đủ nếp đủ tẻ mà vẫn muốn sinh thêm cho đông cửa, vui nhà. Chị Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cho biết: "Đồng Chiêm là nơi khiến tôi trăn trở nhất trong gần 20 năm làm công tác dân số - KHHGĐ. Vùng đất nghèo này ở xa trung tâm huyện, lại nằm khá biệt lập, có đến 68% số hộ vẫn nằm trong diện nghèo và cận nghèo. Nguyên nhân rất quan trọng khiến cho cuộc sống của bà con túng bấn là do việc sinh đẻ không có kế hoạch. Từ đầu năm tới nay, toàn thôn có 26 trường hợp sinh, trong đó có tới 13 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 50%"… Những "điểm nóng" về công tác DS này đã được Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội đặc biệt quan tâm trong mùa chiến dịch thứ hai năm 2009 vừa qua. Tuy nhiên, việc sinh con thứ 3 có giảm hay không không chỉ trông chờ vào những chiến dịch truyền thông./..

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=366579&co_id=30361