'Lộc rừng' ở Chí Linh

Đi trong bạt ngàn cánh rừng dẻ cổ thụ, nắng nhảy nhót qua kẽ lá, bầy ong cần mẫn hút mật trên những chùm hoa dẻ, đàn sóc thoăn thoắt chuyền cành... Thoảng trong không gian, hương hoa dẻ cuối mùa. Rừng dẻ vào đầu đông, trĩu trịt quả ban tặng cho vùng núi Chí Linh (Hải Dương).

Việc nhặt hạt dẻ cần bàn tay khéo léo của phụ nữ.

Tái sinh rừng dẻ

Khung cảnh cổ tích bỗng trở về thực tại khi anh Thắng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chí Linh cất giọng: “Mọi người đi cẩn thận, tránh giẫm lên “lộc rừng” nhé”. “Lộc rừng” theo lời anh Thắng là hạt dẻ chín rụng như trải thảm.

Trong một lần đi thực tế, tôi tình cờ biết thành phố Chí Linh (Hải Dương) có rừng dẻ trên 1.000ha, trong đó có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người dân kể rằng, cánh rừng dẻ đã từng bị tàn phá và rồi lại hồi sinh từ chính bàn tay con người. Những cây dẻ có sức sống mãnh liệt, sức vươn lạ kỳ đã trả ơn người vào mùa thu hoạch… Câu chuyện cuốn hút trí tò mò khiến tôi phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần khi chia tay với anh em kiểm lâm ở đây: “Nhớ mùa thu hoạch hạt dẻ gọi mình lên hưởng chút “lộc rừng”.

Hạt trưởng Thắng, người có thâm niên gắn bó mấy chục năm với đại ngàn nở nụ cười hiền hậu, trả lời tôi trong cái bắt tay: “Nhà báo yên tâm, nhớ mùa đông lên đây nhặt hạt dẻ, ăn gà đồi nướng, thưởng thức mật ong và thẩm hương hoa dẻ”.

Hạt dẻ Chí Linh tuy nhỏ nhưng mang vị ngậy bùi đặc trưng.

Đúng như lời hẹn, đầu tháng 10 âm lịch, anh Thắng đã điện thoại nhắc: “Dẻ đang bắt đầu vào mùa rồi đấy”. Hôm sau, chúng tôi “tức tốc” lên đường thẳng tiến về trụ sở Hạt Kiểm lâm Chí Linh (phường Bến Tắm, thành phố Chí Linh). Đến nơi, 3 cán bộ kiểm lâm của Hạt đã chờ sẵn để “tháp tùng” chúng tôi lên rừng dẻ trên đoạn đường đẹp như bức tranh, quanh co một bên rừng xanh mướt, một bên là mênh mông hồ nước mát lành.

Anh Thắng vừa đi vừa trò chuyện, khuôn mặt rạng ngời không giấu được niềm vui của người gắn bó máu thịt với rừng: “Mùa dẻ chín kéo dài hơn 1 tháng cũng là từng đấy thời gian rừng sôi động”.

Bởi trong khuôn viên rừng dẻ Chí Linh hơn 1.000ha, nhiều gia đình được giao nhận khoán, có gia đình nhận khoán cả chục ha, ngày thường chỉ vài người lẻ bóng trông nom nhưng khi tới mùa hạt dẻ rụng thì đông vui, tấp nập. Cả người đi thu hạt và cả du khách đều không hẹn mà gặp. Đa số các gia đình cứ mặc nhiên để du khách và người dân thoải mái lượm hạt trong khu vực mình được giao khoán trông coi. Chính sự thoải mái đó lại khiến ý thức bảo vệ rừng của mọi người được nâng lên. Nhặt hạt dẻ, người dân cũng không quên gom cành, lá khô để gọn lại đề phòng cháy rừng.

Rừng dẻ Chí Linh có 2 loại: Thuần loài và hỗn giao, nằm trên địa bàn 5 xã, phường: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Lê Lợi và Bến Tắm. Dưới tán rừng dẻ Khu đập Hố Đình (ở xã Hoàng Hoa Thám), vùng dẻ thuần loài nguyên sinh đẹp nhất, lớn nhất vùng đất Chí Linh.

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ của 8ha rừng dẻ dẫn chúng tôi đi trong cánh rừng với những cây dẻ xù xì, hằn rõ vết tích của thời gian, có cây thân đã mục rỗng song cành vẫn vươn cao đón nắng. Khu rừng rộng, chỉ có cây dẻ xòe tán sum suê, lá xanh mướt mắt choáng ngợp tầm nhìn. Mỗi khi có cơn gió ào qua là dẻ chín lại thi nhau rụng, mọi người không ai bảo ai cùng nhau cúi nhặt và bóc ra thưởng thức hương vị ngậy bùi.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Phương xót xa như người mắc lỗi. Ông kể, cách đây hơn 20 năm, nhà nào cũng ra sức chặt dẻ lấy củi bán hoặc chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như vải, na, nhãn… để nuôi hy vọng đổi đời. Nhưng chỉ còn lại cánh rừng trơ trọi. Các trang trại nuôi gà, lợn hàng năm đều bị bệnh dịch chết hàng loạt như “linh ứng” của việc tàn phá rừng.

Chuộc lại lỗi lầm (vào thời điểm 2002 - 2007), người dân dồn hết công sức, tâm huyết vực lại rừng dẻ sắp suy kiệt. Từ những gốc dẻ cằn cỗi còn sót lại, sự sống đã nảy mầm và tái sinh mạnh mẽ, giờ đây màu xanh phủ kín đất rừng. Các mô hình nhận khoán rừng tập thể, cá nhân chẳng cần phải trông coi vì ai cũng có trách nhiệm bảo vệ, rừng mang đến cho con người nguồn thu không nhỏ hàng năm. Những gia đình cần mẫn, chịu khó nhặt dẻ từ sớm tinh mơ đến chiều tối, hết mùa dẻ cũng được vài ba chục triệu đồng, nguồn thu này đối với những người lao động “thuần nông” quả là không nhỏ.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng dẻ.

Bảo vệ rừng từ tình yêu

Từ đầu đông, mỗi ngày có hàng trăm người tới đây gom “lộc” của rừng. Mọi người mang theo rổ, túi đựng, men theo những lối mòn vào sâu trong rừng.

Khi nói đến rừng, người ta thường nghĩ đến gai góc, cần bàn tay mạnh mẽ và sức vóc cường tráng của người đàn ông, nhưng vào rừng nhặt hạt dẻ lại chỉ cần đến những bàn tay mềm mại, tỉ mẩn và tính nhẫn nại, dịu dàng của người phụ nữ để tách quả dẻ đầy gai nhọn lấy hạt. Đó cũng chính là lý do mà cả cánh rừng dẻ bạt ngàn chỉ thuần tiếng nói, cười giòn tan của các cô sơn nữ.

Vừa thoăn thoắt nhặt hạt dẻ, nụ cười ấm áp nở như nắng mùa thu, Kiều Thị Hương vừa đưa cho tôi những hạt dẻ nhỏ xinh, tròn mũm rồi bảo tôi có thể bóc ra thưởng thức luôn.

Hạt dẻ Chí Linh tuy nhỏ nhưng có “võ”, bé nhưng là “bé hạt tiêu”, cảm giác như không có hạt dẻ nơi nào có được hương thơm dịu, vị bùi ngậy và đậm đà như ở đây. Vì hạt bé nên việc nhặt nhạnh lâu hơn, người nào nhặt giỏi ngày được dăm bảy cân, thu nhập được vài trăm nghìn. Nhưng mọi người đến đây không chỉ để mưu sinh mà còn bởi tình yêu với rừng, tìm sự thư thái, thưởng “lộc rừng” ban.

Tôi chợt nhận ra sự độc đáo của rừng dẻ Chí Linh là mùa quả với mùa hoa gối nhau chứ không ngắt quãng như các cây khác. Khi người dân vẫn mải mê nhặt lứa hạt dẻ cuối cùng trong tiết trời đông thì trên cây đã lại nở hoa. Có lẽ do nếm trải đủ nắng, mưa, gió, bão nên hạt dẻ mới có hương vị riêng ngậy bùi đặc trưng như vậy. Hạt dẻ đã mang đến nguồn thu không nhỏ cho hàng trăm hộ dân, là sản vật góp mặt trong các thương hiệu nức tiếng của Festival Chí Linh - Hải Dương 2023.

Thương hiệu gà đồi Chí Linh nức tiếng xa gần cũng được gây dựng dưới bóng cây dẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết, thu nhập của đồng bào 8 dân tộc anh em (Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Hoa, Tày, Mông, Thái) đang sinh sống trên địa bàn xã đều cậy nhờ vào rừng, đặc biệt là rừng dẻ. Toàn xã phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn dưới 1%.

Rừng dẻ không những đem lại kinh tế cho người dân mà nuôi gà dưới tán dẻ cũng thuận lợi và hiệu quả hơn. Thương hiệu gà đồi Chí Linh nức tiếng xa gần cũng được gây dựng dưới bóng dẻ. Dưới tán rừng dẻ, những chú gà đồi thịt săn chắc, thơm ngon. Những hộ nuôi ong lấy mật cũng phấn khởi vì hoa dẻ thu hút ong và cho mật đậm đà hơn.

Chia tay rừng dẻ và cán bộ Hạt Kiểm lâm Chí Linh mà chúng tôi vẫn còn lưu luyến. Tôi nghĩ, mỗi việc nhặt hạt dẻ thôi mà sao nhiều ý nghĩa thế, nó xích mọi người lại gần nhau hơn. Hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui, thêm thu nhập mà còn nhân lên tình yêu với rừng với cây. Có như vậy, bảo vệ rừng mới xuất phát từ tấm lòng và tình yêu chứ không còn là gánh nặng.

PHẠM HOÀNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loc-rung-o-chi-linh-10267416.html