Lộc vừng vất bên đường giá nửa tỷ: Tiền tỷ đâu ra?

Những dân chơi cây cảnh có ý kiến trái ngược nhau về chuyện cây lộc vừng ở Nghệ An được trả nửa tỷ đồng.

Ở cuối Bản Tỉn Pù (tiếng Thái gọi là bản ở chân dốc) xã Quang Phong, Quế Phong (Nghệ An) có cây lộc vừng cổ thụ, theo người dân bản, thì cây này đã trên trăm tuổi.

Người dân bản Tỉn Pù cho biết, đã có nhiều người sưu tầm cây cổ thụ cũng như các tay buôn cây cảnh tìm đến bản hỏi mua cây lộc vừng, có người còn trả 500 triệu đồng nhưng bà con dân bản quyết không bán.

Trao đổi với Giảng viên, Họa sĩ Đặng Xuân Cường (hay còn gọi là Cường họa sĩ) dân chơi cây cảnh có tiếng đất Bắc, ông cho rằng, giá 500 triệu với cây lộc vừng đó là bình thường.

Theo ông Cường giải thích, với một người có tiền họ muốn chơi cây thì bỏ ra số tiền đó là bình thường, thậm chí là hơn.

Cây lộc vừng ở Nghệ An có giá lên đến 500 triệu đồng.

"Cây lộc vừng lâu năm như vậy 500 triệu cũng là bình thường, giá của nó nếu vào tay dân chơi có thể lên đến cả tỷ chứ. Nhưng cũng còn tùy thuộc người ta muốn mua không, nếu họ thích thì bất cứ giá nào cũng có thể được", ông Cường chia sẻ.

Chuyên gia này còn cho rằng những người có tiền họ có thể trả giá rất cao chỉ để mua về làm cảnh, làm bóng mát.

Nhưng trái người với ý kiến của ông Cường họa sĩ, ông Trần Viết Dũng (còn gọi là Dũng Phủ), một nghệ nhân sinh vật cảnh ở Nam Định cho rằng không có chuyện cây lộc vừng giá cao như vậy.

"Từ trước đến nay tôi chưa thấy cây lộc vừng nào giá đến 200 triệu chứ đừng nói đến 500 triệu, đấy là người ta thổi giá lên thế thôi", nghệ nhân sinh vật cảnh này cho hay.

Cây lộc vừng cổ thụ nằm tách biệt với các cây cối khác.

Khi biết được chiều cao khoảng 19 mét, chu vi gốc 320 cm, đường kính 1,6 mét, ông Dũng cho rằng cây lộc vừng như vậy chỉ là cây bóng mát, không có chuyện giá nó cao như vậy, cho dù nó có trăm năm tuổi.

"Cây lộc vừng giá rẻ lắm, cây đến mấy trăm năm cũng chỉ được trăm triệu là cùng, tôi có tiền cũng chả mua những cây như vậy", nghệ nhân Dũng Phủ chốt lại.

Một dân chơi cây cảnh ở Hà Nội (xin được giấu tên) cho rằng cây lộc vừng cao to như vậy thì người ta phải có biệt thự, hoặc chí ít nhà cao tầng và vườn rộng mới mua về làm cảnh, làm bóng mát, chứ mấy ai buôn loại cây này.

"Giá trị của cây này không cao cho lắm, chủ yếu người ta mua về làm cảnh thôi, cây mà to cao quá thì làm bóng mát trong vườn", dân chơi Hà Thành này nói.

Cây lộc vừng bị rỗng ruột do dấu ấn của thời gian.

Dân chơi này còn cho rằng nếu đã là những người chơi cây cảnh lâu năm thì chẳng có ai để ý mấy loại cây bóng mát thế này, họ chơi cây cảnh là ở độ tuổi, các thế của cây chứ không cần làm bóng mát.

Theo như thông tin báo chí đã đưa trước đó, cây lộc vừng này tuy đã nhiều tuổi, nhưng nó vẫn ra rất nhiều hoa khi đến vụ, thậm chí hoa còn rơi xuống ruộng lúa nhìn như một tấm thảm đỏ.

Ngoài ra, dân bản chỉ đồng ý "đổi" cây lộc vừng với điều kiện người mua phải mở rộng con đường 1km từ Quốc lộ 48D vào bản, đồng thời xây dựng các cống giao thông để xe ô tô có thể vào ra bản, thuận tiện cho việc đi lại của người dân, và kèm theo 60 triệu đồng để bản trả công cho người chăm sóc và mua trâu bò làm liên hoan.

Tuy nhiên đến nay chưa thấy đại gia nửa tỉ nào xuống tiền.

Nhật Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/du-lich/loc-vung-vat-ben-duong-gia-nua-ty-tien-ty-dau-ra-3342465/