Logic - Sức mạnh của phản biện

Hiện nay, có nhiều vấn đề nghiệp vụ làm báo được người trong nghề rất quan tâm, ý kiến hay 'va' nhau, trong đó có vấn đề viết bài tranh luận, bài phản biện.

Logic - Sức mạnh của phản biện. Ảnh: TL

Trong những bài báo có tính thuyết phục cao, được bạn đọc yêu thích, bài bình luận, bài phản biện là những bài được xem là khó viết nhất. Tất nhiên, về lý thuyết, bài báo thể loại nào cũng có cái khó riêng của nó, nhưng phản biện vẫn là bài viết không dễ thực hiện, khó “nhằn” nhất. Đó là ý kiến chung của những người làm báo, và cũng là cảm nhận của độc giả.

Về mặt nghiệp vụ, theo tôi, nếu viết được những bài báo có tính phản biện cao, có trách nhiệm, chứ không phải chỉ “bới móc”, nhà báo đã hội đủ những yếu tố cần nhất của một “cây bút báo chí” thực thụ, báo hiệu thành công nghề nghiệp.

Có thể lấy nội dung một bài báo in làm ví dụ. Trên những trang báo của tờ báo chính trị - xã hội, có những bài viết thuộc các thể loại (tin, bình luận, phỏng vấn, phóng sự...) khác nhau. Mỗi bài nội dung có tính chất khác nhau. Người làm báo dễ dàng nhận thấy ngay một thực tế khó có thể bác bỏ: Bài viết có tính tranh luận, tính phản biện cao về một vấn đề nào đó đòi hỏi người viết phải có những phẩm chất “bắt buộc”: Bản lĩnh, chính kiến, hiểu biết và yêu lẽ phải... Không có bản lĩnh, không có chính kiến không thể tranh luận, phản biện.

Riêng về yếu tố “yêu lẽ phải” cần có không thể thiếu. Vì người viết bài phản biện là người trực tiếp đấu tranh cho cái đúng, cái đẹp, chân - thiện - mỹ, mang lại sự công bằng, công lý cho cộng đồng và xã hội. Đó là cái đích để nhà báo phản biện. Thực ra, người làm báo nào mà chả yêu lẽ phải, không thế thì nghề báo sẽ loại bỏ họ.

Riêng với người viết phê phán, phản biện, như bất công xã hội chẳng hạn, điều kiện “yêu lẽ phải” còn cao hơn nhiều, mang đậm chất đạo đức nghề nghiệp. Nếu không, nhà báo dễ nản lòng trong quá trình tác nghiệp, khó khăn rình rập, trắc trở thường trực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có yêu lẽ phải, người viết mới đi đến tận cùng để đạt được điều mình mong muốn, điều bạn đọc chờ đợi.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có buổi làm việc từ ngày 02 đến 04/7/2019 và xem xét kỷ luật nhiều cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải, Đăk Nông và Đồng Nai. Ảnh: TL

Xin đưa một ví dụ, hiện nay cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng đang ở cao trào, bước vào năm 2019 mức độ ngày càng quyết liệt. Đủ các loại “củi”, trong đó có “củi tươi” cỡ lớn đã được đưa vào “lò”, như mọi người đều biết. Vậy mà, báo chí đưa tin, bài không phải “thuận buồm xuôi gió”, không gặp khó khăn, cản trở vì những lý do khác nhau.

Nhà báo tranh luận lại, phản biện thế nào với những luồng dư luận không thuận với truyền thông chống tham nhũng tiêu cực? Công dân có quyền cung cấp tài liệu, thông tin cho nhà báo. Các quyền này được pháp luật bảo hộ, cụ thể là Luật Báo chí (2016). Sự phản biện của nhà báo, lên án kẻ xấu cũng dựa vào cơ sở pháp lý này. Đó là logic. Logic tạo nên sức mạnh của phản biện.

Trong Luật Báo chí (2016), Chương II. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, được quy định tại Điều 10 “Quyền tự do báo chí của công dân”. Công dân có 6 quyền tự do báo chí: 1- Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2- Cung cấp thông tin cho báo chí; 3-Phản hồi thông tin trên báo chí; 4- Tiếp cận thông tin trên báo chí; 5- Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6- In, phát hành báo in. Như vậy, tác giả bài báo phản biện nắm được logic này sẽ ở một tư thế làm chủ sự phản biện của mình khi phân tích, diễn giải vấn đề một cách logic. Tác giả làm được như vậy, khó có thể bác bỏ được sự phản biện thể hiện trong bài viết.

Một vấn đề khác, lâu nay, trong hoạt động báo chí, nhất là ở các địa phương, dư luận rất băn khoăn, bức xúc về vấn đề bổ nhiệm người lãnh đạo cơ quan báo chí không được đào tạo báo chí. Không có nghiệp vụ làm báo, không hiểu tác nghiệp báo chí và nhiều yêu cầu đối với người làm báo thì lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí sao được? Nghề báo đòi hỏi rất cao về nghiệp vụ và trình độ, hiểu biết mới có thể sáng tạo tác phẩm báo chí, quản lý cơ quan báo chí. Lãnh đạo là người có vai trò, vị trí quyết định chất lượng tờ báo, đài phát thanh truyền hình. Nếu không có đủ trình độ làm báo sẽ dẫn đến hệ quả tờ báo kém hấp dẫn, đài PT&TH chất lượng thấp, ít người xem, hiệu quả không cao.

Vậy, chúng ta viết bài phê phán, phản biện vấn đề này như thế nào? Không phải dễ nếu không có chính kiến, bản lĩnh, lại chủ quan, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về báo chí. Để phản biện thuyết phục, người làm báo cần bản lĩnh mạnh mẽ khi khẳng định: Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí như thế, về nguyên tắc là không sai.

Mỗi nhà báo cần có tư duy phản biện tốt. Ảnh: TL

Trong Luật Báo chí (2016), Mục 2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đúng đầu cơ quan báo chí, quy định, có 4 tiêu chuẩn, trong đó “có thẻ nhà báo còn hiệu lực”. Hiện nay, đang tiến hành quy hoạch lại hệ thống báo chí theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Một trong những vấn đề đáng quan tâm, cần phải “quy hoạch” là đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Trong tình hình mới, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, vấn đề người lãnh đạo báo chí không có nghiệp vụ làm báo sẽ phải thay đổi. Đó là logic của sự phản biện.

Tôi đã thực hiện bài viết phản biện vào năm 2013, 2014 về công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thành Cổ Loa. Trên tạp chí Người Làm Báo có đăng bài “Cái mới là... cái cũ được phát hiện”. Qua bài viết, tôi kể lại việc đã đi điều tra thực địa ở Thành Cổ Loa, xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) sau hơn nửa thế kỷ (1962) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vẫn chưa được cắm mốc giới trên thực địa và xác định 3 khu vực bảo vệ (K1,K2,K3) di tích theo yêu cầu của Luật Di sản - nguyên nhân sâu xa và trực tiếp gây hại làm xuống cấp di sản vô giá này.

Tôi đã phản biện, qua bài viết của mình một cách khách quan, có trách nhiệm do đã phát hiện tương quan logic giữa yêu cầu bảo tồn di tích Quốc gia đặc biệt (QGĐB) Thành Cổ Loa và thực trạng xuống cấp hiện hữu ở những vòng thành cổ này. Và năm sau, năm 2015, tin vui đã đến: Chính phủ phê duyệt và công bố Bản Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa! Vấn đề cắm mốc giới thực địa và xác định các khu vực bảo vệ di tích sẽ sớm được tiến hành.

Đối với bài báo phê phán, phản biện, bạn đọc là người được hưởng lợi nhất. Nó chở ý kiến, suy nghĩ, mong muốn của họ. Chúng nuôi dưỡng lòng tin đang suy giảm trong xã hội, góp tiếng nói đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, góp phần mang lại sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, cần nhắc lại: Viết phản biện không dễ, không bao giờ dễ dàng.

Để viết bài báo phản biện thành công, cuộc sống, nghề nghiệp, công chúng đòi hỏi người làm báo rất nhiều như đã đề cập. Người làm báo cần “nhìn” sâu vào hành trang nghề nghiệp mình đang có xem còn thiếu những gì để bổ khuyết./.

Nguyễn Minh Nguyên

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/logic-suc-manh-cua-phan-bien-n14597.html