Lời Bác năm xưa: 'Phải chǎng đó là cách thực hành khẩu hiệu Cần, Kiệm, Liêm, Chính…'

...'biên tập, xuất bản và in kỷ yếu 1.500 cuốn: 225 triệu đồng; làm phóng sự, viết bài trên báo, đưa tin trên đài truyền hình, in báo, bảng biểu, lắp đặt panô, áp phích: 150 triệu đồng; tiệc đứng… khoảng 1.500 người (đại biểu, các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh): 450-500 triệu đồng...

Bác Hồ theo dõi một cháu bé đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than (Hà Nội) năm 1958. (Nguồn: QĐND.VN)

Bác Hồ theo dõi một cháu bé đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than (Hà Nội) năm 1958. (Nguồn: QĐND.VN)

Mấy ngày qua, thông tin Ban Giám hiệu một trường THPT trên địa bàn tỉnh thông báo tới các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh nhà trường về dự kiến kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường và kêu gọi ủng hộ với tổng kinh phí dự kiến là 2,655 tỷ đồng, nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trả lời báo chí, Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định văn bản do nhà trường ban hành và đã nhận được hơn 800 triệu đồng của các cựu học sinh đóng góp. Việc kêu gọi cũng là trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Hiệu trưởng nhà trường còn khẳng định sẽ đảm bảo tổ chức lễ kỷ niệm tiết kiệm, ý nghĩa, thiết thực, không phô trương.

Nhưng nhìn vào các khoản dự chi, thật không khỏi khiến dư luận băn khoăn về cái gọi là “tiết kiệm”, “không phô trương” khi mà các khoản chi đều lên tới cả trăm triệu đồng, với số đại biểu tham dự dự kiến tới 1.500 người. Chỉ xem qua các mục chi liên quan đến tuyên truyền thôi, đã không khỏi khiến người đọc giật mình nghĩ tới một… đại lễ: “biên tập, xuất bản và in kỷ yếu 1.500 cuốn: 225 triệu đồng; làm phóng sự, viết bài trên báo, đưa tin trên đài truyền hình, in báo, bảng biểu, lắp đặt panô, áp phích: 150 triệu đồng; tiệc đứng… khoảng 1.500 người (đại biểu, các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh): 450-500 triệu đồng.

Đến đây, xin được trích dẫn lại bài báo “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh L.T đăng trên Báo Sự thật, số 109, ra ngày 15-4-1949, tức cách đây đúng tròn 74 năm:

“Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì:

– Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền,

– Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền,

– Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy,

– Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ: “Sừng có vạch, vách có tai”.

Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.

Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Vì những lẽ trên, tôi nêu ra đây vài thí dụ:

– Một đoàn thể nọ ở Thanh Liêm, Hà Nam, khai hội xong, thì quay ra chén anh chén chú.

– ở Kim Bảng, một cuộc hội nghị kiểm thảo thi đua, đã ǎn uống hết 5.000 đồng và trang hoàng hết 1.000 đồng.

– Một đoàn thể kia ở B.Đ. khai hội có 70 người dự, mà ǎn uống hết 12.000 đồng.

– Hội nghị Vǎn hóa Liên khu III, thuê một chiếc đàn dương cầm trong hai tối, mất 700 đồng. Ngoài ra lại có một bàn đèn thuốc phiện!

Những món tiền tiêu xài hoang phí ấy ở đâu ra? Có phải mồ hôi nước mắt của đồng bào không?

Trong lúc chiến sĩ ta đang ǎn gió nằm sương, đồng bào tản cư đang chịu mọi nỗi thiếu thốn, toàn thể nhân dân đang ra sức tiết kiệm để giúp kháng chiến – các vị cán bộ kia ǎn tiêu như thế không thẹn với lương tâm hay sao?

Phải chǎng đó là cách thực hành khẩu hiệu Cần, Kiệm, Liêm, Chính mà Hồ Chủ tịch đã nêu ra và đòi hỏi mỗi cán bộ phải làm gương mẫu?”. (*)

Lời Bác dạy dễ nhớ, dễ hiểu, những dẫn chứng Bác nêu vẫn rất gần, rất đúng và còn nguyên tính thời sự với chúng ta sau 70 năm. Đối với Ban giám hiệu trường THPT kia, hẳn nhiên năm nào cũng xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho tập thể và cá nhân, song dường như việc làm theo chưa đúng.

Nguyên Phong

(* Nguồn: cpv.org.vn).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/theo-guong-bac/loi-bac-nam-xua-phai-chang-do-la-cach-thuc-hanh-khau-hieu-can-kiem-liem-/183697.htm