Lợi bất cập hại

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đúng như những gì được dự đoán, Mỹ đã đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với quốc gia Hồi giáo này. Mới đây, Mỹ chính thức 'tung đòn' mạnh tay nhất từ trước đến nay nhằm vào lĩnh vực đóng tàu, vận tải, ngân hàng và đặc biệt là xuất khẩu năng lượng của Iran.

Việc siết chặt gọng kìm trừng phạt không nằm ngoài mục đích gây sức ép buộc Tehran phải thỏa hiệp và thậm chí nhượng bộ ngồi vào đàm phán theo điều kiện của Washington. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng hy vọng khi lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Tehran trong khu vực sẽ giảm sút.

Chưa biết hiệu quả của các biện pháp này đến đâu, nhưng có một điều chắc chắn rằng “cú đòn hiểm” của Mỹ sẽ tác động ít nhiều đối với nguồn cung "vàng đen" của thế giới, khi Tehran hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mỹ là quốc gia hiểu rõ nhất điều này thế nên mới có chuyện Washington vừa công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, vừa cho phép 7 nước, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và Hy Lạp, cùng vùng lãnh thổ Đài Loan, vốn nhập khẩu tới hơn 80% dầu mỏ của Iran trong năm ngoái, được miễn trừ trừng phạt. Rõ ràng đây là giải pháp của Mỹ nhằm tránh gây sốc đối với thị trường năng lượng thế giới, kéo theo giá dầu mỏ leo thang tác động ngược với nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng hy vọng động thái trên sẽ giúp các nước xuất khẩu dầu, như Saudi Arabia và Kuwait tăng sản lượng vào năm sau, trong khi các nhà nhập khẩu dầu ở châu Âu hay châu Á có đủ thời gian để tìm đối tác mới.

Dẫu vậy, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Quyết định miễn trừ chỉ có thời hạn 180 ngày. Bởi vậy về dài hạn, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran vẫn sẽ đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới vốn luôn trong trạng thái bất ổn. Ngay cả khi Saudi Arabia-nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới tuyên bố có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran, nhiều ý kiến vẫn quan ngại, bởi hiện Saudi Arabia sản xuất trung bình dưới 11 triệu thùng/ngày và chỉ có thể tăng tối đa lên 12 triệu thùng/ngày. Chuyên gia Badiali thuộc Công ty Banyan Hill khẳng định "thị trường đang đánh giá quá cao lượng dầu có thể cung ứng". Theo ông, thế giới khó có thể sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày, nói gì đến việc bù đắp cho nguồn cung dầu thiếu hụt từ Iran, dự kiến lên tới 1,5 triệu thùng/ngày. Nếu cung không đủ, giá dầu hoàn toàn có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau.

Riêng đối với Iran, mặc dù các nhà lãnh đạo nước này, đặc biệt là Tổng thống Hassan Rouhani, đã nhiều lần lên tiếng trấn an người dân, nhưng khách quan mà nói, đòn cấm vận của Mỹ nhằm vào những lĩnh vực trọng yếu của quốc gia Hồi giáo chẳng khác nào “cú đánh chí mạng” đối với nền kinh tế vốn đang phải chật vật chống đỡ các vòng xoáy trừng phạt. Với dự báo lượng dầu xuất khẩu có thể sụt giảm tới 2/3, Iran chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn về trung và dài hạn khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm đi, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng cao…

Tất nhiên, thời điểm hiện tại không còn giống như hồi năm 2011 và 2012, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân. Iran không hề bị động trước Mỹ mà thậm chí còn đang tranh thủ sự ủng hộ của các nước, đặc biệt là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân, thảo luận việc thiết lập cơ chế để lách các lệnh trừng phạt, tiếp tục các hoạt động giao dịch thương mại.

Chính việc Mỹ đơn phương phá vỡ những cơ chế hợp tác, thỏa thuận đa phương, theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế bất chấp lợi ích của các đồng minh, đã tạo lợi thế cho Iran tận dụng những bất đồng này để phần nào lôi kéo nhiều đối tác, như: Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc đứng về phía mình trong "cuộc đấu cân não" này. Đây được đánh giá là bước đi khôn ngoan của nước Cộng hòa Hồi giáo, vừa có thể tạo lòng tin trên thị trường, vừa có thể cô lập Mỹ.

Quan trọng hơn, Iran còn sở hữu một "con bài độc" đó là Eo biển Hormuz, nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới, đi qua. Nếu bị dồn ép, quốc gia Hồi giáo có thể phong tỏa eo biển huyết mạch này hoặc chỉ đơn giản là thúc đẩy những cuộc đối đầu từ những mâu thuẫn vốn đã tồn tại sẵn ở Trung Đông với tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực. Khi đó, lợi bất cập hại, lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không chỉ tác động với riêng Iran mà còn liên lụy tới nhiều quốc gia khác, kéo theo nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế và an ninh thế giới.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/loi-bat-cap-hai-554159