Lời cam kết của ông Biden bị hoài nghi

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với thách thức giành lấy niềm tin của châu Phi, giữa lúc Washington nỗ lực khôi phục ưu tiên quan hệ với lục địa này.

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo từ 49 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi tập trung tại Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày từ hôm 13/12, theo Reuters.

Trọng tâm thảo luận là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, quan hệ đối tác thương mại và nhiều vấn đề khác.

Sau hội nghị, ông Biden cam kết sẽ công du châu Phi cận Sahara, mặc dù chưa công bố thời gian cũng như địa điểm chuyến thăm.

Ông cũng nhấn mạnh các ưu tiên truyền thống của Mỹ ở châu Phi, khi công bố thêm 2 tỷ USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp, ngoài 11 tỷ USD trong thông báo gần đây.

Nhiều lãnh đạo công khai ca ngợi Mỹ sau sự kiện này, với cam kết hỗ trợ 55 tỷ cho châu Phi trong ba năm, cũng như hàng chục thỏa thuận và sáng kiến kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, không gian, an ninh mạng, an ninh lương thực và môi trường.

Tuy nhiên, một số quan chức giấu tên không tích cực tới vậy. Họ nói mình từng nghe lời cam kết lớn của Mỹ trước đây, đặc biệt trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2014, đã không thành hiện thực.

Những người khác cho rằng lời cam kết của ông Biden có thành hành động hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội Mỹ, tại thời điểm nền kinh tế nước này căng thẳng và chiến sự Ukraine là mối quan tâm chính.

Điều này làm nổi bật thách thức của ông Biden trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh mở rộng, cũng như giành được niềm tin của một lục địa có sức hấp dẫn nhưng cũng nhiều biến động, theo New York Times.

Mối quan hệ đang đi lên

Ông Biden gặp riêng lãnh đạo sáu quốc gia chuẩn bị bầu cử vào năm tới - Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Liberia và Madagascar - tại Nhà Trắng. Một số người sau đó đăng bức ảnh cười và bắt tay với ông Biden trong phòng Bầu dục.

Tuy nhiên, những bức ảnh khác có ý nghĩa phức tạp hơn vậy.

Hôm 14/12, Tổng thống Biden rút ngắn bài phát biểu trước các lãnh đạo châu Phi để cùng thủ tướng Morocco và một số nhà lãnh đạo khác theo dõi trận bán kết World Cup, AFP đưa tin.

Một bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy ông Biden ngồi cùng Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed xem trận đấu khiến một số người dân nước này phẫn nộ.

Trước đó, hồi năm 2021, Mỹ từng ký sắc lệnh hành pháp đe dọa áp lệnh trừng phạt mới nhằm ngăn chặn xung đột leo thang ở miền Bắc Ethiopia.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết 2 người chạm mặt nhau tại buổi họp bình thường, nơi các nhà lãnh đạo đi lại quanh phòng. Bà nói thêm Mỹ kêu gọi tiếp tục thực hiện thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Ethiopia.

 Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington, D.C., hôm 15/12. Ảnh: Reuters.

Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington, D.C., hôm 15/12. Ảnh: Reuters.

Đối với Mỹ, hội nghị thượng đỉnh không phải là sự kiện lựa chọn bên yêu thích. Tất cả quốc gia có quan hệ tốt với Liên minh châu Phi, ngoại trừ Eritrea, đều được mời.

Thay vào đó, chính quyền ông Biden nhấn mạnh cam kết hợp tác và niềm tin châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong những thay đổi định hình lại trật tự toàn cầu. Động thái này là sự thay đổi rõ rệt trong quan hệ của Washington với lục địa này sau thời ông Donald Trump.

Trong tuyên bố chung, Mỹ và Liên minh châu Phi cho biết hội nghị thượng đỉnh phản ánh mối quan hệ đang đi lên.

“Mối quan hệ đối tác dựa trên niềm tin rằng các chính phủ và người dân châu Phi sẽ xác định tương lai của trật tự quốc tế, giải quyết những thách thức cấp bách nhất trên thế giới”, tuyên bố viết.

"Chúng tôi cần các bạn"

Các nhà lãnh đạo châu Phi nhiều lần nhấn mạnh họ không muốn bị buộc phải đứng về phe nào giữa Mỹ và các đối thủ chiến lược, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

“Khi chúng tôi lên tiếng, chúng tôi thường không được lắng nghe, hoặc trong mọi trường hợp, không được quan tâm đầy đủ”, Chủ tịch Liên minh châu Phi, Tổng thống Senegal Macky Sall, cho biết. “Đây là điều chúng tôi muốn thay đổi. Và đừng ai nói là chúng tôi không làm việc với bên này, hay chỉ với làm việc với họ. Chúng tôi muốn hợp tác và giao thương với tất cả".

Ông Biden ám chỉ Mỹ đã lắng nghe những lời kêu gọi này và nỗ lực tránh suy nghĩ hội nghị thượng định lần này là một phần cạnh tranh chiến lược.

“Chúng tôi có ý hợp tác với châu Phi và chúng tôi cần các bạn”, ông Biden nói. “Tôi hy vọng chúng ta làm rõ điều đó hôm nay và mỗi ngày. Điều này không chỉ là lời nói mà còn là hành động. Còn rất nhiều việc phải hoàn thành".

Tổng thống Senegal đã liệt kê các ưu tiên của châu Phi, bao gồm chống khủng bố, thúc đẩy dân chủ và đàm phán “quá trình chuyển đổi năng lượng hợp lý và công bằng” với phương Tây.

Ông Sall cũng kêu gọi Mỹ về 2 vấn đề: Thúc đẩy dỡ bỏ trừng phạt với Zimbabwe và chỉ trích đạo luật do Mỹ đề xuất nhằm hạn chế các hoạt động bất hợp pháp của Nga ở châu Phi. Ông cảnh báo nếu dự luật được thông qua, điều này “có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa châu Phi và Mỹ”.

Mỹ nhấn mạnh mong muốn và cam kết hợp tác với châu Phi. Ảnh: Reuters.

Ngoài kế hoạch cho chuyến công du của riêng mình, Tổng thống Biden còn cho biết Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony J. Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen và các quan chức cấp cao khác cũng sẽ tới lục địa.

Nếu chuyến thăm được thực hiện, ông Biden sẽ là tổng thống Mỹ thứ 6 kể từ khi kết thúc Thế chiến II đến châu Phi cận Sahara khi đương chức.

Ông George H.W. Bush đã bay tới Somalia trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ để thăm quân đội Mỹ và các nhân viên cứu trợ quốc tế, trong khi các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama thực hiện nhiều chuyến đi dài khắp lục địa. Ông Trump chưa bao giờ đặt chân tới đây khi còn là tổng thống.

“Mỹ sẽ không yêu cầu châu Phi lựa chọn. Và các bên khác cũng nên như vậy”, Ngoại trưởng Antony J. Blinken cho biết. “Quyền quyết định thuộc về người châu Phi và chỉ người châu Phi. Nhưng chúng tôi sẽ làm việc không ngừng để mở rộng lựa chọn của họ”.

Các nhà phân tích cho rằng để thành công với mục tiêu đã nêu, hội nghị thượng đỉnh nên diễn ra 3 năm/lần, như với Trung Quốc.

Tại quán cà phê cách hội trường diễn ra sự kiện vài dãy nhà về phía nam, Florindo Chivcute, nhà vận động chống tham nhũng đến từ Angola, cho biết ông hiểu lý do cho hành động của Mỹ hiện tại. “Mỹ đã tụt lại phía sau. Nga và Trung Quốc đang đi trước 3 bước. Nước này cần phải nhanh chóng bắt kịp”, ông nói.

Ông Chivcute cho biết các doanh nghiệp Mỹ được ưa chuộng ở châu Phi. Nhưng khi được hỏi hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa như thế nào với người dân Angola, ông ngập ngừng: “Tôi không chắc họ sẽ hiểu điều này ra sao”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-cam-ket-cua-ong-biden-bi-hoai-nghi-post1385534.html