Lời cảnh báo của con quái vật

Hình ảnh con búp bê Momo tưởng là gây sợ hãi cho trẻ con, nhưng thật ra đó là lời cảnh báo cho người lớn. Bao lâu rồi ta chưa quan tâm con mình xem gì trên mạng? Bao lâu chưa dứt khỏi chiếc điện thoại để trò chuyện với con?

Tivi đưa tin về Thử thách Momo - con quái vật kỳ dị, đầu người mình gà, mắt lồi, tóc đen rũ rượi, khiến cô con gái 6 tuổi của tôi núp sau lưng mẹ sợ hãi. Cả tuần qua lan truyền trên báo chí và mạng xã hội lời cảnh báo video hoạt hình Momo sẽ hướng dẫn trẻ em làm những điều tổn hại cho mình, thậm chí tự sát. Rất may cuối bản tin nói rằng thật ra những cảnh báo đó chỉ là sự thổi phồng và chẳng có bằng chứng về mối nguy hiểm từ Momo.

Nhưng thật ra bản tin ấy vẫn không khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Tự dưng nó nhắc tôi rằng, cái nhân vật hoạt hình mà tôi chỉ thấy xấu xí và chẳng mấy để ý ấy lại khiến con tôi đang sợ. Liệu mình có biết những thứ mà mình thấy bình thường nhưng lại là mối bận tâm của con, dù chỉ là một đứa trẻ sắp vào lớp Một? Liệu lâu nay mình có để ý kỹ con mình xem gì trên mạng hay không, hay quá phụ thuộc vào vai trò dỗ trẻ con của các thiết bị điện tử?

Cậu con trai lớn cũng xem bản tin Momo, liền mách với mẹ rằng, em ruột và em họ của nó hay xem các anime - video hoạt hình Nhật Bản, và trong phần “video liên quan” hiện ra rất nhiều anime khác nhưng có nội dung người lớn, và các em đã có lần bấm vào.

Vậy nhưng tôi, mẹ nó, đã không để ý rằng đằng sau các cô công chúa, các hình vẽ thủy thủ Mặt trăng xinh đẹp kia có thể là nội dung bậy bạ. Tôi đã quá thờ ơ để nghĩ, bọn trẻ vẫn còn rất nhỏ để có thể hiện ra các video “nguy hiểm”.

Cậu con trai cũng nhắc mẹ, tuần này thời gian mẹ vào mạng nhiều hơn tuần trước đây này, tin nhắn Facebook hiện ra trên màn hình điện thoại của mẹ đã cảnh báo như thế. Cậu phàn nàn bố đi làm về là ngồi máy tính, mẹ lên giường vẫn ôm điện thoại. Anh bạn tôi lâu lâu có lần nói, hãy để ý đến con, không nó lớn nhanh quá em không kịp chơi với nó đâu, đừng sống ảo. Tôi cãi anh rằng không bao giờ có chuyện đó. Nhưng rồi lâu nay tôi vẫn để mình bị cuốn đi với chiếc điện thoại hay iPad. Cũng không phải không nhận ra đâu, nhưng những thông tin mạng quá hấp dẫn để không ít lần bữa cơm dọn ra rồi mà mẹ vẫn cố nán lại với vụ ly hôn nghìn tỷ nào đó, hay tối đi ngủ cô con gái năn nỉ bảo mẹ kể chuyện mà mẹ cứ lần lữa với những thứ kiểu “bí quyết để có làn da đẹp hơn”.

Một người bạn làm nghiên cứu, sau một cuộc khảo sát, kể, trẻ con giờ biết tên con chó của Paris Hilton hơn là biết tên hàng xóm của mình. Nhưng hóa ra người lớn cũng vậy, tôi có thể biết vụ ly dị của nhà kia rõ hơn biết nhà đối diện vì sao cứ suốt ngày cãi nhau, hàng xóm bao năm cạnh mình vào viện lúc nào.

Cứ như thế, đừng nói trẻ con, chính người lớn chúng ta đang để trí tuệ, cảm xúc của mình bị dẫn dắt bởi môi trường mạng chứ không còn là cảm nhận trực quan về cuộc sống, đến mức quên cả con mình, quên cả người hàng xóm hay chính cả người thân, cả chính mình. Ngày nghỉ có lúc ta thả bọn trẻ con về nhà ông bà để ra cafe lướt net, rồi kệ con mình xem gì, nghe gì ở nhà ông bà.

Câu chuyện chẳng mới, mà sao tôi cứ quên.

Những ông bố, bà mẹ tôi gặp ở quán cuối tuần cũng ngồi lướt net, để mặc cho con cũng lướt net hay chơi game, liệu có quên như thế?

Liệu con quái vật Momo mình gà có khiến tôi dứt khỏi những phút cố nán, để quay sang trò chuyện nhiều hơn với con mình?

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/loi-canh-bao-cua-con-quai-vat-3985886-b.html