Lời cảnh báo từ thiên nhiên

Ðức và một số quốc gia châu Âu đang hứng chịu trận mưa lũ lịch sử, tàn phá nặng nề nhiều khu vực và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Ðây được xem là một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất tại Ðức kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và là 'lời cảnh báo' nghiêm khắc của thiên nhiên về hậu quả khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đang trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã bày tỏ sự bàng hoàng khi thấy những hình ảnh đau thương trong trận mưa lũ lịch sử ở quê nhà. Biển nước lũ mênh mông nhấn chìm nhà cửa, đường sá. Những người dân may mắn sống sót ngồi trên các nóc nhà chờ được giải cứu. Tính đến đêm 15/7, đợt mưa lũ tại miền tây nước Ðức đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60 người, khiến hàng trăm nghìn căn hộ mất điện, cầu đường bị phá hủy, nhiều khu vực bị cô lập… Cùng với Ðức, các nước Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa lũ.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt xảy ra với tần suất cao dần, đang trở thành mối đe dọa thường trực với con người. Báo cáo của Quỹ từ thiện Christian Aid nhận định, năm 2020 là năm khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Báo cáo liệt kê 15 trận thiên tai kinh hoàng nhất trong năm, từ cháy rừng, bão lụt cho đến nạn châu chấu. Trong số này, có đến 10 sự kiện thảm họa thiên tai gây thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ USD. Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hơn. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hơn 50 triệu người chịu ảnh hưởng cùng lúc từ đại dịch Covid-19 và các thảm họa liên quan khí hậu.

Những con số đáng báo động nêu trên gióng hồi chuông thúc giục con người hành động khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu. Hơn 5 năm kể từ khi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được ký, thế giới đã có một số tiến bộ, song chưa đạt kỳ vọng. Tại Hội nghị cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hồi tháng 4, các nước đã đưa ra cam kết mạnh mẽ kèm theo nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm chung tay bảo vệ "hành tinh xanh".

Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc từng nhấn mạnh, thiên nhiên đang gửi đến nhân loại thông điệp khẩn, thông qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng khí hậu. Chống biến đổi khí hậu vì thế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và cần sự "chung sức, đồng lòng" của tất cả các quốc gia trên thế giới.

TƯỜNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/loi-canh-bao-tu-thien-nhien-655449/