Lời cáo buộc nặng nề

Ngay thời điểm Mỹ gác lại chuyện quyết định có đánh giá Trung Quốc “lũng đoạn tiền tệ hay không” thì EU lại cáo buộc Bắc Kinh không thực hiện cam kết về chống vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đây không phải lần đầu EU ra cáo buộc kiểu này nhưng lần này lại rất nặng nề khi công khai cho rằng Trung Quốc là thánh địa của hàng giả và hàng nhái thương hiệu. Theo những số liệu được Ủy ban EU công bố, năm ngoái, 64% số hàng nhái và hàng giả đủ loại do cơ quan hải quan của EU và các nước thành viên phát hiện, tịch thu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chỉ riêng thuốc lá nhái nhãn mác thôi cũng đã gây thiệt hại cho EU 10 tỉ euro hằng năm. Chuyện này đã trở thành đại sự trong quan hệ giữa 2 bên khi được EU coi là trọng tâm chính trong cuộc trao đổi về hợp tác hải quan đang diễn ra ở Thượng Hải. Đối với EU, đây là vấn đề vừa mang tính nguyên tắc lại vừa là chuyện ăn thua, được mất trên thực tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ và thâm hụt cán cân thương mại của liên minh này với Trung Quốc lại ngày càng tăng, năm ngoái đã lên tới 133 tỉ euro. Cho nên EU phải đưa chuyện này ra công khai như vậy để gây áp lực đối với Bắc Kinh. Trung Quốc tuy có vị thế trong quan hệ kinh tế và thương mại với EU nhưng cũng không thể coi thường chuyện này. Cáo buộc trên gây tổn hại không nhỏ đối với uy tín của nước này với tư cách là đối tác kinh tế, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và thành viên WTO. Nếu không giải quyết ổn thỏa thì rất có khả năng xảy ra kiện tụng, điều tra thực địa và truy xét nguồn gốc hàng hóa. Khi đó, chuyện sẽ còn phức tạp và khó ăn khó nói hơn nhiều cho Trung Quốc. Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201036/20100903003907.aspx