Lời chia tay đầu tiên

Hà Nội rộng hay chật. Tôi chẳng thể biết nữa. Nó mỗi ngày một rộng ra. Hẳn thế. Nhưng bất cứ thứ gì phình ra thì cũng phải có giới hạn chứ?

Minh họa của Lương Xuân Đoàn.

1. Là tự hỏi thế thôi. Có những thứ phình ra vô giới hạn. Theo cấp số nhân. Đại khái hơn nửa đời tôi sinh ra lớn lên ở Hà Nội chỉ có duy nhất một con đường được mở rộng ra vào quãng những năm 90 thế kỷ trước. Đó là đường Đại Cồ Việt. Nó là một con đường có thể nói khá vô danh của Hà Nội. Nó không có lịch sử như những phố Hàng… khu phố cũ. Lại cũng chẳng có quy hoạch hiện đại vuông hàng kẻ ô như khu phố mới Kim Liên, Trung Tự.
Đơn giản nó chỉ là con đường đê La Thành kéo dài ra đến bờ sông Hồng từ thời nhà Mạc thế kỷ XVI và đã bị quân lính nhà Lê, Trịnh san phẳng khi đánh thắng nhà Mạc. Với người Hà Nội thì việc xây thành đắp lũy không hẳn là đã dừng lại kể từ sau triều đại cuối cùng nhà Nguyễn. Những kiến trúc bằng đất vẫn còn được sinh sôi cả sau hòa bình 1954. Thậm chí cho đến tận những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước người ta vẫn vận động thanh niên đi đào đất ở sông Tô Lịch, vườn thú Thủ Lệ, hồ cá Đống Đa…
Hà Nội rất rộng là bởi nhà tôi chỉ cách nhà nàng chừng 200m theo đường chim bay nhưng phải đến năm tôi 24 tuổi mới gặp nhau. Hơn hai mươi năm ấy đáng ra tôi có thể chứng kiến nàng từ lúc ngồi bô nhõng nhẽo trên con phố eo xèo chợ búa lúc ấy còn gọi là phố 325. Một trong những con phố có cái tên bằng chữ số khá bí hiểm. Hình như là tên một sư đoàn anh hùng nào đó trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều người cứ bảo phố phường Hà Nội không chịu văn minh như New York đặt tên đường bằng số cho thuận tiện tìm kiếm mà không biết rằng Hà Nội đã có tên đường bằng số từ khá lâu rồi. Tất nhiên tên đường bằng số phải có quy luật của nó mà không thể tùy tiện. Đại khái song song với đường 325 sẽ là đường 326 như ở New York. Nhưng nước mình lại không có sư đoàn 326. Mà nếu có cũng chưa chắc đã đủ anh hùng để đặt tên phố.
Tôi gặp nàng vào cuối năm 1975. Khi cả hai đang đi đào hồ cá Đống Đa theo phong trào sinh viên những năm ấy. Mỗi năm có 20 ngày lao động công ích. Các trường đại học đóng chân trên địa bàn Hà Nội đều phải cho sinh viên tham gia. Rất may lúc ấy sinh viên các tỉnh về Hà Nội học đại học khá nhiều. Họ chiếm đa số trong sĩ số của lớp. Họ là lực lượng lao động chính trong các trường đại học bởi từ thẳm sâu suy nghĩ thì việc đất cát gánh gồng vốn là nghiệp nhà của họ. Chỉ huy trưởng trên công trường của tôi là một anh chàng lực lưỡng cùng lớp quê Hải Hậu -Hà Nam Ninh. Anh lính vừa ở chiến trường Tây Nguyên ra nhập học. Nét mặt thô phác cùng với đôi môi thâm sì sốt rét và bộ quần áo lính khoác trên người đủ để không chỉ lũ sinh viên thị dân nể sợ mà ngay cả những thày giáo trẻ ở trường cũng răm rắp tuân lệnh. May mắn nhất là lão Mai này chỉ có quyền hành với trường mỹ thuật của tôi mà không mảy may hống hách được với đám sinh viên trường nhạc của nàng.
May mắn hơn nữa, Mai hình như để ý đến nàng nhiều hơn là công việc. Bạn cùng lớp đưa chuyện tôi mới biết. Và ngấm ngầm theo dõi. Hóa ra anh lính ở rừng về không hề quê mùa vụng dại như tôi tưởng. Những phút nghỉ giải lao đều thấy Mai biến mất một cách bí ẩn. Khi quay lại công trường bao giờ trên tay cũng có vài chiếc kẹo lạc và mấy điếu thuốc lá cuộn Con Gà. Mai đang rít điếu Sông Cầu thơm lừng còn thuốc cuộn Con Gà chia cho bạn cùng lớp. Thứ thuốc lá sợi Lạng Sơn vàng khè cuộn trong giấy nhãn hiệu Con Gà nhập khẩu từ Thái Lan là mốt của đám thanh niên thị dân nghèo. Thuốc ấy hút vào vàng đều từ trong cuống họng, đến lưỡi, đến răng. Vàng hết các đầu ngón tay và vàng cả vào gan bàn tay. Thanh niên Hà Nội lúc ấy có tác phong khạc nhổ ngoài đường không phải vì kém lịch sự. Chỉ vì thứ thuốc lá làm cho nước bọt vàng như nhai nghệ và rất ngứa cổ.
Kẹo lạc nhanh chóng đến tay Hương. Mai đưa đẩy vài câu không thể giấu được gốc gác: Em mà ăn kẹo lạc này thì cứ gọi là vô địch khoa thanh nhạc của trường! Nàng ngúng nguẩy ra mặt. Đánh mắt sang tôi cầu cứu. Đó là một tín hiệu mà bất cứ trai phố nào cũng hiểu. Tôi chẳng phải trai quê và cũng đã tầm tã vài năm tình trường phố thị. Tôi đọc được trong ánh mắt nàng cả một lời mời tha thiết mông lung nhưng thực sự rất gần. Tựa như nó đã có sẵn ở đấy từ rất lâu rồi.
Tôi cười bao dung và liên tục gật đầu thúc giục. Nàng hiểu ý rất nhanh giơ tay đón mấy thanh kẹo lạc từ Mai. “Cảm ơn anh đã lưu tâm đến nghề nghiệp đặc thù của chúng em”.Nàng liếc sang tôi trìu mến, “Em mời anh Hòa ăn chung với chúng em cho thêm tốt giọng!”. Tôi hơi choáng váng. Vài chục gánh đất đã làm tôi hoa mắt từ nửa giờ trước. Không phải lần đầu gánh gồng nhưng những ngày sơ tán về thôn quê tôi luôn được lũ bạn quê ưu ái. Những buổi đào hầm trú ẩn ở nơi sơ tán tôi luôn cố gắng làm mọi việc từ vạch hình, xắn đất, chặt tre làm kèo chữ A. Duy nhất có việc gánh mê cỏ phủ lên nóc hầm lũ bạn gái luôn giành lấy. Chúng nó bảo nhìn tôi vắt chiếc đòn gánh trên vai có cảm tưởng như chỉ đòn gánh không cũng đủ làm tôi xiêu vẹo. Nhiều năm sau tôi mới ngộ ra rằng chúng nó xót tôi. Như nàng bây giờ vậy. Một tay thư sinh trắng trẻo bềnh bồng mớ tóc xoăn lủng lẳng trên vai chiếc đòn gánh và hai sọt đất trông thật buồn cười. Dù đất và sọt với đòn gánh là thật một trăm phần trăm thì trên vai tôi nó vẫn là đồ giả. Tôi đóng góp cho chủ nghĩa xã hội chẳng lẽ chỉ vài sọt đất ấy? Chính tôi cũng nghi ngờ.
Tan buổi gánh gồng, nàng nấn ná bên lũ bạn học nhạc viện thơm phức. Nàng cũng có phần đóng góp trong cái không khí ngạt ngào ấy. Bằng nước hoa Liên Xô mua ở Bách hóa tổng hợp Hàng Bài. Cái mùi ngai ngái nồng xốc nổi ấy tôi quá quen từ ngày còn học phổ thông. Những năm 69 - 70 thằng bạn cùng phố tôi suốt ngày lên Bách hóa tổng hợp. Nó không mua gì mà đi bán. Nó bán những chiếc lọ penecicline lấy từ Bệnh viện Việt Đức về rửa sạch phơi khô. “Hàng hóa” được nó đựng vào một chiếc rá cũ rách kêu lóc xóc trên tàu điện. Mấy anh “sơ vơ” (soát vé) quen mặt chẳng bao giờ hỏi vé nó. Lên đến Bờ Hồ nó len lỏi ngay vào tốp đầu dãy hàng mua nước hoa Liên Xô. Cũng chẳng ai thắc mắc gì. Nước hoa mậu dịch ngày ấy chứa trong thùng lớn. Dùng xơ-ranh hút ra bán cho mỗi người 5cc. Không có lọ penecicline của nó chẳng ai biết phải làm gì với số nước hoa mua được. Tôi có lần chen vào mua nước hoa hộ chị gái cũng nhờ nó mà có lọ đựng. Rất nhiều năm sau tôi vẫn không thể nào quên cái mùi nước hoa bao trùm cả thành phố ấy. Nó thơm sực vào ngày lễ, tết muôn người như một. Trong chiếc áo rét may bằng vải vinilon ướt màu đen trùm kín mông cũng muôn người như một.
Nàng không ngồi sau xe đạp cô bạn gái như lúc đến. Nại ra rằng nóng bức quá muốn đi bộ về nhà cho mát. Tôi chẳng cần phải căng tai lên nghe ngóng cũng biết rõ lí do. Linh tính mách bảo tôi phải làm một động tác gì đó đáp lại lời mời ân cần bí mật của nàng. Chuyện ấy quá dễ. Sẵn tính tình tếu táo vui đùa tôi làm giả động tác xiêu vẹo cầm dây quang gánh đất lên dốc. Cả lũ bạn nhìn tôi cười phá. Hóa ra động tác của tôi có tác động đến nàng một cách trực tiếp nhất. Giống như lũ chim thiên đường trống trong sách sinh vật xòe đuôi múa trước mặt bạn tình. Tôi cũng biết như thế là hình như mình đang tiến hóa giật lùi. Nhưng đã chẳng còn đường lùi. Tôi đến bên nàng khẽ giọng, anh sẽ đưa em về! Nàng ngước mắt kênh kiệu, anh định cõng em chắc. Em sẽ đưa anh về thì đúng hơn? Câu nói của nàng đã hóa giải nút thắt ngượng ngập cuối cùng giữa hai đứa. Cả một lớp học của tôi 19 sinh viên chỉ hai đứa có xe đạp.
Tất nhiên là từ hồ cá Đống Đa về nhà chẳng bao xa. Tôi biết thế và âm thầm lên kế hoạch. Đi hết Khâm Thiên thay vì đi thẳng có thể rẽ phải. Cố gắng chuyện trò tào lao thể nào cũng chạm tường rào công viên Thống Nhất. Đi một quãng nữa là đến cổng vào Nam Bộ. Đến được đấy rồi thì chẳng còn lí do gì để không đi tắt qua công viên về nhà nàng. Thực ra lúc ấy tôi cũng chưa hề biết nhà nàng ở đâu. Chỉ mò mẫm đoán nó cũng ở đâu đó quanh khu vực khu phố Hai Bà Trưng. Người cùng khu phố nhận ra nhau chẳng khó khăn gì. Hoàn Kiếm đon đả nồng nàn đấy nhưng chưa chắc đã phải là thật. Ba Đình nghiêm nghị nhưng nhếch nhác vẫn không thể che giấu. Đống Đa chợ búa thẳng băng rất đáng gờm nhưng tình nghĩa. Khu phố Hai Bà Trưng nằm ở giữa Đống Đa và Hoàn Kiếm. Một chút nồng nàn và một chút tình nghĩa hình như là điều thanh niên Hà Nội nào cũng mơ ước.
Tôi cố gắng dằn lòng khi đi trên con phố Khâm Thiên đông kịt những người. Né tránh cả những va chạm dù nhỏ nhất với thân thể nàng. Đó là con phố đông người nhất thời hậu chiến. Và thật ngạc nhiên, người quen Hà Nội cũng thường chạm mặt nhau ở đấy. Tôi và nàng chẳng lạ gì. Tất nhiên người quen nào chạm mặt nhau ở đấy ngay từ lúc ấy đã có cách ứng xử văn minh chẳng kém gì bây giờ. Nghĩa là chẳng bao giờ chào hỏi nhau dù chỉ là một cái gật đầu. Cứ cắm cúi mà đi với lí do đường chật chẳng để ý đến ai. Cũng không ai phiền trách.
Nhưng khi rẽ sang đường Nam Bộ thì mọi chuyện đã khác. Mặt đường rộng mênh mông thưa vắng. Người đi bộ thưa thớt vì nơi ấy đã là quá xa trung tâm. Chẳng cần một cột đèn tín hiệu nào suốt quãng đường từ Khâm Thiên xuống đến cổng công viên. Người ta nhường nhau mà đi. Không một tiếng còi. Hai đứa thảnh thơi đi bộ trên vỉa hè cạnh hàng rào công viên. Bóng chiều sẫm lại. Nàng đi sát vào tôi. Phảng phất mùi nước hoa Liên Xô ngầy ngậy. Da thịt thanh tân run rẩy đụng chạm lần đầu. Là tôi đoán thế.
Cổng công viên trống hoác mở ra con đường quanh hồ. Bồn hoa sau cổng chỉ toàn cỏ dại. Bấy giờ đã là tháng Bảy. Bồn hoa được trồng từ dịp Tết Nguyên đán đã không còn dấu vết của bất cứ thứ gì từng nở hoa. Phía trái con đường là Quán Gió im lìm sau hàng liễu rủ. Vắng tanh. Cà phê mậu dịch trong ấy thực ra là chỉ bán cho người ta cái chỗ ngồi nhìn ra mặt hồ lộng gió. Tôi với lũ bạn phổ thông từng vài lần ngồi buồn tênh trong ấy thi nhau tập bắn thìa vào cốc cà phê nhạt hoét. Cả cái thìa người ta cũng đục lỗ chính giữa để tránh mất cắp. Nhưng vô ích. Vẫn mất như thường. Thìa đục lỗ mà ăn cơm rang cũng chẳng gặp khó khăn nào. Khi mất hết thìa quán cà phê có một sáng tạo bất ngờ. Đó là mỗi cốc cà phê cắm vào đấy một chiếc đũa.
Tôi đưa nàng xuôi theo con đường xuống phía Nam. Bóng đêm đã phủ tràn lên những tàng cây kẽ lá. Những cây nhãn còi cọc trồng từ vài chục năm trước chưa bao giờ ra quả. Hoặc có thể chúng đã từng bói quả nhưng lũ trẻ quanh công viên đã thu hoạch từ lúc còn non. Nghỉ chân trên chiếc ghế đá cạnh nhà thuyền, nàng ngả đầu lên vai tôi từ lúc nào chẳng biết. Tôi cũng không biết làm gì khác hơn đặt lên môi nàng một nụ hôn cháy bỏng. Nàng xiết chặt tôi nghẹn ngào, em biết anh lâu rồi, chỉ là anh cứ nghĩ em còn quá nhỏ! Tôi thầm thì, quá nhỏ chứ sao? Anh sai rồi, ngày nào anh đến trường em chẳng nhìn thấy anh qua phố nhà em. Đã có lần em còn theo chân anh về tận gần nhà mà anh không biết! Vậy là em…! Nàng đặt một cái hôn dài lên môi tôi ngỡ ngàng…
2. Ba mươi mốt năm sau tình cờ tôi gặp lại nàng ở một sự kiện. Tôi không thể nhớ rõ đó là một sự kiện quảng cáo hay ca nhạc hay thời trang hay khai trương một cái gì đó. Bây giờ những sự kiện diễn ra hàng ngày trên phố. Có một kịch bản bí mật nào đó người ta lưu truyền với nhau. Thường thì là ngăn cả vỉa hè vác những chiếc loa thùng khổng lồ ra phố. Nhạc chát chúa. Và vũ đoàn nữ mặc váy ngắn cầm quả bông vàng ngoáy tít mù. Tôi đã từng bị lôi kéo vào một sự kiện khai trương cửa hàng bán ghế điện massage như thế. Nhừ tử. Chẳng biết vì ghế điện hay vì ngoáy tít mù. Chỉ biết lâng lâng đi lạc cả sang con phố không dẫn về nhà mình.
Thằng bạn cũ làm giám đốc một công ty buôn bán điện thoại mời tôi đến uống rượu. Vẫn cứ nghĩ địa chỉ nó cho là nhà hàng. Nào ngờ đến nơi đã thấy dựng rạp ngoài vỉa hè. Chưa kịp quay bước thì nó đã nhào ra đon đả, ông vào đây dự với chúng tôi lễ khai mạc này đã. Sau đó ta sẽ uống ở nhà hàng Z! Nó ấn tôi ngồi lên hàng ghế danh dự đầu tiên. Hai bên có vẻ như toàn quan chức cấp phường mặc lễ phục cứng đờ. Chắc họ cũng không ngờ được mời đến chỉ để ngồi ghế sắt bọc vải trắng bày ngay trên vỉa hè. Chỗ mà hàng ngày họ vẫn phải ra sức xua quân đi dọn dẹp những bày biện nhếch nhác. Dĩ nhiên mặt mũi họ khó đăm đăm. Thế nhưng tôi biết việc của mình ngay lập tức. Đó là người phải tiếp khách giúp nó. Chẳng gì thì sau lời giới thiệu của nó cũng có vài ông khách biết tôi là người viết văn. Với đám nhà văn thì tôi là thằng vô danh tiểu tốt. Nhưng với cán bộ phường thì một thằng viết văn, viết báo lại có địa vị đáng kể. Hình như đám này thường xuyên bị báo chí lườm nguýt nên cũng có phần cả nể. Tôi chẳng ngại gì mà không thăm hỏi chuyện trò như pháo rang. Chẳng gì thì giám đốc công ty cũng là thằng bạn từ thời còn soi ve gốc cây Bờ Hồ. Lại nữa đám cán bộ nhỏ tuổi dĩ nhiên kính trọng một thằng già như tôi.
Thằng bạn lên bục đặt micro nói ấm ớ vài câu gì đó tôi nghe chẳng rõ. Đại loại có cảm ơn và xin hứa như mọi loại diễn văn trên đời. Rất may là thằng này nói vo chứ không cần “phao” như những lãnh đạo khác. Tôi chỉ nghe rõ mỗi câu cuối cùng, mời tất cả các anh các chị ra nhà hàng Z, tôi đã đặt bàn ở đấy rồi. Chương trình ngoài ấy còn có vài tiết mục ca nhạc phục vụ mọi người! Lúc ấy tôi cũng vẫn chưa biết lí do của sự kiện ầm ĩ này. Và đến tận bây giờ cũng thế.
Nhà hàng Z nằm trong một con ngõ nhỏ quen thuộc ở ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm. Ngõ thì quen nhưng nhà hàng thì lạ. Giới doanh nhân Hà Nội luôn làm tôi bất ngờ về những nơi chốn ăn chơi. Bình thường bạn bè thì những kẻ sành ăn như thế chắc chẳng bao giờ bước chân tới. Giá cả đắt mà đồ ăn thì luôn bị cho là kém linh hồn. Cũng con gà luộc ở những quán quen tinh vi đến từng sợi lá chanh tươi mới thì nhà hàng lớn bao giờ cũng là con gà được luộc hàng loạt khô khốc như cỗ cưới. Biết được thế cũng cần khá nhiều năm tháng. Tôi có cách dự tiệc của mình. Cứ rau tươi với đậu phụ thì chẳng thể có cách làm nào quá tệ.
Vài cô tiếp viên áo dài màu gà con tha thướt bước vào rót rượu. Những chai Chivas 12 nặng trĩu có vẻ như không phù hợp với những thướt tha ấy. Lóng nga lóng ngóng cốc đầy cốc vơi ngứa cả mắt. Giá như ở quán quen tôi đã nổi máu khách hàng lên dạy dỗ lại từ đầu. Nhưng ở đây thì kệ. Tôi bình tĩnh cầm mấy cốc rượu của khách lên san sẻ lại cho đều. Tất cả cùng nâng cốc vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Có tiếng xôn xao ngoài cửa. Tôi ngoảnh lại nhìn. Hương. Bộ váy ngắn bó sát thân hình không lấy gì làm thon thả lắm. Cặp môi đỏ sẫm màu mận và đôi lông mày mỏng tang dán sát trên vầng trán lưa thưa tóc. Tôi sững người giây lâu. Chuyện cũ như một cuốn phim nhanh vấp váp hiện về.
Suốt mấy chục năm không hề gặp lại. Chẳng vì lí do gì cả. Cũng không ai nói với ai một lời. Dù ngần ấy năm chỉ có mình Hương chuyển chỗ ở theo chồng. Tôi vẫn ở đấy. Nhưng tuyệt đối không hề nhìn thấy nhau. Chẳng phải vì Hà Nội rộng ra. Nàng vẫn ở nội thành. Chỉ khác quận mà thôi. Nàng nở một nụ cười xa vắng, chào anh, trông anh chẳng khác xưa là mấy! Tôi buột miệng, vì sao anh phải khác?
Nàng bắt tay vào công việc. Cắt đặt các nhạc công ngồi vào chỗ của mình. Chỉnh lại mấy cây đàn guitar và đàn organ điện tử. Bài hát thời thượng của những bữa tiệc bắt đầu tất nhiên phải là “Khúc hát sông quê”. Nàng cất giọng chới với, “Quá nửa đời phiêu dạt…”. Tôi biết khá rõ về tác giả cả nhạc và lời của bài hát này. Cả hai ông đều không sống ở quê mình. Họ cất lên tiếng hát ấy như một nỗi niềm li hương chân thật. Nhưng tôi cũng biết bài hát ấy không dành cho nàng. Tôi và nàng chưa từng phiêu dạt. Dù cho kĩ thuật thanh nhạc của nàng có điêu luyện đến đâu thì cũng vẫn là một nỗi niềm giả tạo mà thôi. Thế nhưng tôi đã nhầm. Khán giả có vẻ như thổn thức cùng bài hát hơn tôi tưởng. Chỉ trừ thằng bạn giám đốc điện thoại của tôi là vẫn nhơn nhơn. Nó hình như nắm rất chắc chương trình. Hết bữa tiệc chỉ còn mỗi việc phát phong bì là xong…
Tiệc tan. Tôi miễn cưỡng nán lại cùng nàng vài phút.Lấy số điện thoại. Tất nhiên thế. Hỏi thăm qua loa vài câu chiếu lệ. Nàng cũng hững hờ nhưng khéo léo cho tôi biết rằng đã li dị. Tôi chẳng ngạc nhiên là mấy. Tôi cũng vậy. Khái niệm gia đình thế hệ chúng tôi ở thành phố đã khác trước nhiều. Nó chẳng thật sự quan trọng. Hay cũng chính vì thế mà làm ta có cảm giác thành phố rộng ra? Cái khái niệm rộng hẹp của thành phố hình như không chỉ nằm ở số dân và diện tích. Có thể hiểu rằng chính thái độ người ta quan tâm đến nhau mới làm cho nó trở thành. Bây giờ đi ngoài đường chẳng khi nào gặp người quen nếu như không có hẹn. Tôi chợt nghĩ ra một cái hẹn. Theo thói quen khi gặp đàn bà nhiều hơn là quan hệ xưa cũ. Tôi hẹn nàng sẽ đến chơi nhà vào cuối tuần. Nàng cười, em bây giờ cuối tuần là những ngày bận nhất! Vậy thì ngay chiều mai? Được, nhưng nhà em sâu trong xóm khó tìm lắm! Khó gì đâu, nhà em gần công trình nào nhất để anh đến đấy rồi gọi em ra? Anh cứ đến Sân vận động Mỹ Đình nhé!
Tôi ngờ nghệch nhớ cái hẹn không giờ ấy trong lòng. Trưa nay uống một trận với lũ bạn về hưu xong đã hơn 2 giờ chiều. Vội vã lấy xe máy phóng vào sân Mỹ Đình. Rất xa. May mà ra khỏi Cầu Giấy đã có biển chỉ đường. Những con đường thênh thang này trong trí nhớ của tôi vài mươi năm trước chỉ là cánh đồng lúa. Nhưng chẳng biết từ lúc nào nó cũng đông đặc ùn tắc những người là người. Như đường Khâm Thiên vài chục năm trước. Vừa đi đường vừa hồi tưởng lại những hẹn hò từ hơn ba mươi năm trước. Chiếc ghế đá tôi và nàng thắm thiết bên nhau gần nhà thuyền công viên phía đường Đại Cồ Việt. Dưới bóng cây đa non lãnh đạo mới trồng là bức tượng ông già nông dân cầm chiếc thuổng đang đào đất. Dưới chân bức tượng có hàng chữ chú thích đề “Ông trồng cháu hưởng”. Bức tượng do nghệ nhân Đào Văn Can ở Thường Tín làm ngày mới khai trương công viên sau cải tạo. Nụ cười của lão nông chân thực đến mức đôi khi sau tiếng thở dài viên mãn của nàng tôi ngước lên vẫn giật mình thon thót. Cứ như người thật.
Tôi áng chừng trong trí nhớ mất hơn một giờ mới bò vào đến sân vận động. Dĩ nhiên chẳng có ai đón tôi cả. Rút điện thoại ra tìm số của nàng. Nguy to. Trong danh bạ có đến bốn cô Hương. Lâng lâng men rượu tôi bấm bừa một số. Đầu máy bên kia may mắn thay thánh thót giọng nàng, anh Hòa phải không, em đang đi diễn trên Xuân Mai phải tối mới về đến nhà! Tôi chúc nàng biểu diễn thành công và không quên chụp một tấm ảnh selfie bên cạnh sân vận động gửi kèm. Lần này thì tôi chắc chắn đó là một lời chia tay. Đầu tiên và cũng là cuối cùng. Hà Nội rộng ra thật rồi…

Truyện ngắn của Đỗ Phấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/loi-chia-tay-dau-tien-334879.html