'Lời chiều' - thời trái tim giấu lửa

Lao động nghệ thuật đích thực được chắt lọc từ những cảm xúc dồn nén qua tháng năm và giữ lại những dấu ấn của cuộc đời. Từ cảm xúc được dồn nén ấy đã bật ra thành lời đưa đến với bạn đọc những tác phẩm giàu cảm xúc. Với tập thơ 'Lời chiều' của người 'lính già' Nguyễn Xuân Thái, đó không chỉ là những trải nghiệm, sự chắt lọc, cùng độ ép của cảm xúc, mà còn là cái tình để câu thơ được chắp cánh, thăm thẳm một nỗi niềm.

(Nhân đọc tập "Lời chiều" của Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Xuân Thái)

Tôi cứ nghĩ, nếu không có cuộc sống gần 40 năm quân ngũ, trải qua chiến trường K5, phóng viên chiến trường trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây nam và phía Bắc; không có những tháng năm gắn bó với biên giới, với các vùng đất miền biên viễn, những đêm "ngồi uống với mỏi mòn trăng sao" của những đêm truy lùng theo dấu biệt kích, thám báo, những đêm sốt rừng, hương bát cháo củ mài thì làm sao có thể thấu được:"Tôi nợ củ sắn lùi ngày ấy/ Hương thơm vương vấn đến tận giờ/ Nợ mầm măng chắt chiu từ đất/ Qua cái đói vàng mắt vàng da" (Lời chiều). Đó chính là sự trải nghiệm. Sự trải nghiệm ấy không chỉ "sống dài" theo năm tháng, mà còn được giấu kín, lặng thầm cùng đời người, khi đủ độ mới thấm cái tình đất nuôi ta, tình người yêu ta và tình đời cho ta.

Tôi biết nhà thơ Nguyễn Xuân Thái từ lâu, từ cái thời tôi còn là sinh viên. Ngày đó, những câu thơ của ông in trên báo Biên phòng luôn được chúng tôi cắt ép vào trong trang sách. Những năm tháng đó, chúng tôi chưa hình dung được, cuộc đời người lính "Đất nước có chiến tranh/ Hướng con đi là nơi súng nổ/ Bậu cửa mẹ ngồi mòn vẹt năm canh/ Gió thương nhớ thổi rạc gầy bóng mẹ" (Nơi mẹ) chính là nơi người lính đối diện cận kề với hy sinh? Và điều ấy, sau bao tháng năm giấu kín đến hôm nay mới thốt được thành lời. Hình ảnh người mẹ ngóng con xa, lo cho mỗi bước con đi vào miền "súng nổ"; cái bậu cửa mẹ ngồi ngóng tin con đến vẹt mòn theo năm tháng; cái nhớ thương gửi theo gió cũng rạc gầy? Điểm tựa của người lính là dáng mẹ quê nhà, là những hao mòn trông ngóng bước chân con. Sự hy sinh, nỗi lo lắng của mẹ có gì sánh nổi. Mẹ vẫn thế, lặng thầm như đất quê cùng bao vất vả tảo tần. Mẹ vẫn thế và mẹ cứ mãi thế trong đời.

Vẫn biết, không ai có thể sống bằng ký ức, nhưng với người viết, ký ức lại luôn là điều thôi thúc sau những trải nghiệm để người viết nhìn nhận lại quãng thời gian đã qua, đã đi và đã sống. Những năm tháng "Ngày nào lên với rừng xanh/ Trong veo giọt nắng long lanh nụ cười" ấy đã trải qua "Những mùa mưa lũ trắng rừng/ Bạn neo cơn sốt vào từng cây xanh" để rồi "Bao năm rừng đã là nhà/ Bấy năm tuổi bạn vẫn là hai mươi" (Ký ức một thời) thì chỉ có ai, với ai đã từng đi qua, từng chứng kiến mới thấm hết cái mất mát của đồng đội lớn biết chừng nào. Hy sinh, mất mát mà không buồn, không ủ ê. Nó chỉ như một lời nhắc nhở về lẽ sống; phải sống sao cho xứng đáng với những gì đồng đội gửi trao.

Bên cạnh những ký ức của một thời, "Lời chiều" cũng chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Trước mỗi cảnh đời, trước mỗi sự vật hiện tượng xảy ra trong đời sống, với trách nhiệm của người cầm bút, tiếng lòng trăn trở lại giằng xé trong suy nghĩ. Giữa bộn bề của mưu sinh, giữa bao trái ngang của cuộc đời, cái tốt và cái xấu luôn song hành. Đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống. Vẫn biết là thế, nhưng ứng xử với điều đó như thế nào lại là điều mà không phải ai cũng có được nét "con người" trong nhìn nhận. "Có người luôn sống bên ta/ Mà vẫn không hình không bóng/ Có vườn rất nhiều loại hoa/ Mà chỉ chút hương lắng đọng" (Tia chớp trong đời). Điều gửi gắm ở đây chính là nhận ra chân giá trị thực để sống ngày một tốt hơn, đẹp hơn. Dẫu có thể chỉ là chút hương hoa thôi, nhưng cũng đủ lắng đọng lại cho đời. Âu đó cũng là cái đích, cái cần tìm đến của mỗi con người.

Sâu đậm nhất, hình ảnh chủ đạo của "Lời chiều" vẫn là người lính Biên phòng qua gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Hình ảnh người thầy thuốc quân hàm xanh, người thầy giáo quân hàm xanh, người "hướng nghiệp" quân hàm xanh, nhà "nông học" quân hàm xanh. Hình ảnh "Chưa có vợ và nhiều người chưa yêu/ Mà đỡ đẻ, khám thai, nghe tim, bắt mạch/ Mọi chuyện như là không thể khác/ Mặt đỏ bừng nhưng không chẩn đoán sai" của người lính Biên phòng với đồng bào gần gũi, chân chất, ruột thịt nhường nào. Từ sự gần gũi và ruột thịt ấy để có "Rất nhiều người lấy tên anh đặt tên cho con mình/ Những đứa trẻ ăn ngoan chóng lớn/ Rất nhiều người nhận anh là con, là anh em/ Niềm vui ấy dễ đâu có được" (Tình cá nước). Đây chỉ là những phác thảo, một phác thảo còn rất đơn giản, nhưng cũng đủ khắc họa được chân dung người lính "đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Cuộc sống của người lính miền biên viễn, nơi đối mặt với biết bao khó khăn, hiểm nguy, nơi thâm sơn cùng cốc vẫn cứ lung linh, lấp lánh sáng, đầy lạc quan và hào sảng mà thơ mộng biết bao. "Người chiến sĩ Biên phòng/ Tuần tra trong nắng sớm/ Một bên vai là súng/ Vai kia giò phong lan" (Có một loài hoa).

Vẫn chất giọng thủ thỉ mà lắng, mộc mà thanh, chân chất mà vẫn chất chứa bao trở trăn, "Lời chiều" đã làm nên một dấu mốc mới hình ảnh người lính Biên phòng trong thi ca.

Phạm Thanh Khương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loi-chieu-thoi-trai-tim-giau-lua/