Lời chúc giá trị nhất lúc này

Hiện nay toàn ngành giáo dục đang phải đứng trước áp lực rất lớn về đổi mới. Tuy nhiên, nguồn lực tiên quyết cho vấn đề này là số lượng nhà giáo và chất lượng giáo viên, thì ở một số địa phương và trong một số thời điểm lại chưa thể đáp ứng.

Ảnh minh họa.

Đặc biệt là những vấn đề phát sinh từ thực tế đời sống xã hội đang tiếp tục đặt ra thử thách không nhỏ bản lĩnh nhà giáo. Từ vấn đề lương, chế độ của nhà giáo khá thấp; sự nhìn nhận của xã hội có lúc còn khắt khe, phiến diện, thậm chí thiếu công bằng với một bộ phận nhà giáo; rồi cả áp lực về thành tích một cách cực đoan, máy móc, khiến nhiều nhà giáo cảm thấy bị “tổn thương”.

Trả lời báo chí nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi đến Bộ trưởng đầu năm học này cho thấy nhà giáo rất mong xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn. Những bước đi chập chững trong đổi mới giáo dục rất cần có sự sẻ chia, hỗ trợ từ phía xã hội. Kể cả những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo. Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng. Mà đã là cộng đồng, ngoài việc giám sát, còn là hỗ trợ và chung tay.

Nghị lực và sự hy sinh của nhà giáo thời gian qua là câu chuyện rất đáng biểu dương, dù đã có rất nhiều người không thể chịu thêm áp lực nên đã phải rời nghề dạy học, nhưng trên hết, những người bám trụ đã cho thấy một trách nhiệm, tình yêu nghề rất lớn. Từ thực tế này đòi hỏi xã hội phải có sự chung sức, sẻ chia nhiều hơn, cơ quan chức năng quan tâm lớn hơn và sớm hơn. Theo đó, không chỉ đòi hỏi phải kịp thời bổ sung nguồn lực giáo viên để đủ số lượng giáo viên đứng lớp, mà còn phải nâng cao điều kiện sống, sự quan tâm và chế độ đãi ngộ bằng những chính sách cụ thể. Còn phải là xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện và thuyết phục hơn góp phần “tưới tắm” tâm hồn nhà giáo, để những kỹ sư tâm hồn yên tâm gắn bó với nghề và ngày càng sáng tạo, cống hiến.

Tin vui với đội ngũ nhà giáo là thu nhập của họ sẽ được cải thiện. Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2024, lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính, sự nghiệp. Cùng với đó, thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Trong định hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng đề ra quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, trong sạch hơn, tạo điều kiện tốt nhất để nhà giáo sáng tạo, cống hiến...

Những đề xuất này không chỉ được các đối tượng được thụ hưởng hoan nghênh, mà xã hội cũng rất đồng thuận. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”. Đảng, Nhà nước ta cũng đặt giáo dục ở vị trí quan trọng - là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Những gì chúng ta đang hướng tới chính là từng bước cụ thể hóa nội dung này, để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, giáo viên là những người trên “trận tuyến” đặc biệt, nghề dạy học ngày càng trở nên cao quý hơn.

Vậy nên, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, xin được chúc các nhà giáo lời chúc có ý nghĩa nhất, cũng là sự mong mỏi lớn nhất ở thời điểm này, đó là họ sẽ sớm được cải thiện thu nhập, nâng cao môi trường và điều kiện làm việc như những gì cơ quan chức năng dự tính.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/loi-chuc-gia-tri-nhat-luc-nay/200116.htm