Lợi chung, lợi riêng

Chiếc ghế Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lâu nay vẫn luôn là 'miếng ngon khó bỏ' đối với bất kỳ quốc gia nào. Điều này được minh chứng khi Pháp phản đối đề xuất của Đức về việc nhường lại chiếc ghế quyền lực này cho đại diện Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp khối này có tiếng nói chung trên vũ đài quốc tế.

Chiếc ghế quyền lực

Trong bài phát biểu tại một diễn đàn về tương lai châu Âu tại Đại học Humboldt ở Berlin mới đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đề xuất Pháp nên chuyển chiếc ghế Ủy viên thường trực tại HĐBA LHQ thành ghế đại diện cho Liên minh châu Âu (EU). Ông Scholz nêu rõ, Pháp có thể trở thành Đại sứ thường trực của EU tại LHQ nếu Paris "hy sinh" chiếc ghế quyền lực tại HĐBA cho châu Âu. Ông Scholz cho rằng, việc này sẽ cần thời gian để thuyết phục Paris, song đây sẽ là mục tiêu “táo bạo và khôn ngoan”.

HĐBA là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Hiến chương LHQ, HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với Hiến chương LHQ, để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên LHQ, thì quyết định và nghị quyết của HĐBA, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả 193 thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Bởi vậy, có thể nói HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.

HĐBA gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực do các nước luân phiên đảm nhiệm theo kết quả bầu cử tại Đại hội đồng. Pháp hiện là một trong 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1945 sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Điều này có nghĩa Pháp cùng với 4 thành viên thường trực khác là Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ là những nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất do nắm quyền phủ quyết tại HĐBA, hay nói cách khác là có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác, thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên. Ảnh: news.un.org.

Châu Âu ở ngã ba đường

Nước Anh đang chuẩn bị hoàn tất tiến trình rời khỏi EU vào năm 2019. Khi đó, Pháp sẽ là đại diện EU duy nhất giữ ghế thường trực tại HĐBA. Dù tháng 1-2019 tới, Đức sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của nước này với tư cách ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ. Song, nhiệm kỳ này của Berlin sẽ chỉ kéo dài 2 năm. Bởi vậy, Berlin lo ngại vị thế và tiếng nói của liên minh này sẽ sụt giảm mạnh sau cuộc “ly hôn” chính thức với Anh.

Tuy nhiên, đối với Pháp, việc nhường lại ghế ủy viên thường trực HĐBA cho EU chẳng mang lại lợi ích gì hơn cho Pháp mà còn khiến nước này phải từ bỏ vị trí vốn làm nổi bật lên vai trò và vị thế của Paris trong các vấn đề quốc tế. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi đề xuất của Đức vấp phải sự phản đối ngay lập tức của quốc gia hình lục lăng. "Điều này là không thể bởi nó đi ngược lại Hiến chương LHQ và bất khả thi về mặt chính trị", Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud phản bác trên trang Twitter cá nhân. Ông Araud từng làm Đại sứ Pháp tại LHQ từ năm 2009 đến 2014.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng “nhường ghế” này là hoàn toàn bất khả thi bởi các nước thành viên còn lại của HĐBA sẽ không thể chấp nhận việc một khối thay vì một nước trở thành Ủy viên thường trực HĐBA. Theo bà Jessica Le Masurier, phóng viên của France 24 tại thành phố New York (Mỹ), đây là một ý tưởng hoàn toàn gây tai tiếng cho sứ mệnh của Pháp tại LHQ.

Những tranh cãi về chiếc ghế của Pháp diễn ra trong bối cảnh cách đây không lâu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Đức cùng bắt tay hợp tác để xây dựng một châu Âu hiện đại, hiệu quả và dân chủ trong tương lai. Theo Tổng thống Macron, châu Âu cần phải phát triển một cách mạnh mẽ và tự chủ hơn để có thể hoàn thành nhiệm vụ ngăn cản mọi tình huống hỗn loạn trong các vấn đề toàn cầu. Ông Macron nói: "Chúng ta nợ châu Âu một hành động có trách nhiệm và chúng ta cũng nợ thế giới này vì thế giới của chúng ta đang ở ngã ba đường. Châu Âu và liên minh Pháp-Đức trong lòng châu Âu cần được đầu tư tránh không để thế giới rơi vào hỗn loạn mà song hành cùng thế giới trên con đường hòa bình".

Thế nhưng, phản ứng của Pháp trước đề xuất của đồng minh nhiều khả năng sẽ khiến Đức cho rằng Paris chưa sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì mục tiêu chung. Một châu Âu ở ngã ba đường có thể sẽ vẫn là thực tế khó tránh khỏi nếu những con sóng ngầm của sự chia rẽ và bất đồng trong chính tầng lớp lãnh đạo EU chưa được giải quyết triệt để.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/loi-chung-loi-rieng-555815