Lối đi ngay dưới chân mình

Nhà nghèo, học giỏi, sẵn sàng đương đầu với thử thách để theo đuổi ước mơ với quan điểm sống 'lối đi ngay dưới chân mình'. Đó là em Phạm Hòa Nhi - cựu học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng và là tân sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Nhà nghèo, học giỏi, sẵn sàng đương đầu với thử thách để theo đuổi ước mơ với quan điểm sống "lối đi ngay dưới chân mình". Đó là em Phạm Hòa Nhi - cựu học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng và là tân sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Hòa Nhi tranh thủ phụ mẹ may vá quần áo trước khi vào TP HCM nhập học.

Xuất sắc toàn diện

12 năm liền Hòa Nhi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Từ tiểu học đến THCS, Hòa Nhi đều giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Thi vào cấp ba, em đỗ thủ khoa Trường THPT Hòa Vang và thủ khoa lớp chuyên Địa lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Theo học trường chuyên Lê Quý Đôn, Nhi tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng: Năm lớp 10 và 11 em đều giành huy chương vàng môn Địa lý trong kỳ thi Olympic 30-4 ở TPHCM; năm lớp 12 em đạt giải nhất học sinh giỏi thành phố, đặc biệt là giải nhất môn Địa lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Thầy Hoàng Kim Mỹ, giáo viên dạy bồi dưỡng môn Địa lý cho biết, Hòa Nhi là học sinh xuất sắc toàn diện. Không chỉ giỏi môn chuyên mà ngay cả các môn toán, văn, ngoại ngữ em cũng học cực "đỉnh". Với thành tích giải nhất quốc gia, Hòa Nhi được nhiều trường đại học tuyển thẳng. Hòa Nhi quyết định chọn trường Đại học Quốc tế Sài Gòn với chuyên ngành Thương mại Quốc tế. Ước mơ của em là trở thành một công dân toàn cầu.

Con nhất định sống tốt

Đó là lời hứa của Hòa Nhi với mẹ trước khi vào TP HCM theo đuổi giấc mơ đại học, dẫu hành trang mang theo chỉ… 1 triệu đồng. Nhi hứa cho mẹ an tâm, không lo lắng để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi Nhi biết rõ tình yêu thương và niềm hy vọng mẹ dành cho mình rất lớn. Cũng dễ hiểu thôi vì trên đời này người mẹ nào cũng thương con, mong con học giỏi, có công việc ổn định và cuộc sống hạnh phúc. Mẹ Nhi, bà Phạm Thị Thu Hiền (53 tuổi) lại càng khao khát điều đó hơn ai hết để bù đắp cho những khốn khó mà Nhi đã trải qua từ ấu thơ đến giờ.

Bà Phạm Thị Thu Hiền có một tuổi thơ bất hạnh khi năm lên 10 tuổi bị tai biến và mắc tật gù lưng, đi lại, làm việc khó khăn. Tuổi thanh xuân trôi qua trong lặng lẽ cô đơn với khát khao tình yêu và hạnh phúc gia đình, rồi người phụ nữ đáng thương ấy quyết định làm mẹ đơn thân. Khi hai đứa con ra đời mang theo hạnh phúc với tiếng cười con trẻ đồng thời là gánh nặng kinh tế quá lớn, nhất là với người phụ nữ không học hành, không nghề nghiệp lại tàn tật, sức khỏe yếu.

Ba mẹ con ở nhờ nhà ngoại cùng với gia đình người dì cũng đang nuôi hai đứa con nhỏ, kinh tế rất chật vật, trong khi bà ngoại vốn là nông dân năm nay 75 tuổi đã già yếu. Trước hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyết tật thành phố hỗ trợ bà Hiền học nghề may và tặng chiếc máy khâu làm kế sinh nhai. Do dị tật ở lưng, thoái hóa cột sống nên không thể ngồi lâu, cố gắng lắm mỗi ngày bà chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng, đủ đắp đổi qua ngày.

Năm 2015 cứ ngỡ rằng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn khi Nhi thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - ngôi trường chất lượng cao của TP Đà Nẵng và cả nước, nơi được miễn hoàn toàn học phí và mỗi tháng được nhận 260.000 đồng tiền "lương" hỗ trợ, còn chị gái Nhi thì tốt nghiệp đại học kinh tế. Nhưng rồi chị gái không xin được việc làm, đã thế lại lập gia đình sớm rồi có con nhỏ. Vợ chồng chị gái không kham nổi tiền thuê nhà lại dắt díu nhau về ở nhờ nhà ngoại. Bà Hiền lại gánh thêm chi phí cho đứa cháu của mình.

Chúng tôi tìm đến nhà Hòa Nhi ở 152-Đỗ Thúc Tịnh, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, đúng lúc gia đình đang dùng bữa. Nhìn mâm cơm chỉ dưa với rau mà không khỏi chạnh lòng. Bà Hiền tâm sự, xưa nay gia đình ăn uống kham khổ để có tiền lo cho hai con ăn học. Từ ngày biết tin Nhi đậu đại học, bữa ăn phải tằn tiện hơn để dành tiền cho con vào Sài Gòn. "Thu nhập của tôi chỉ trên dưới 2 triệu đồng, tôi phải cố gắng tằn tiện để mỗi tháng gửi cho nó 1 triệu đồng. Sức của tôi giờ cố gắng lắm cũng chỉ lo được chừng ấy thôi", bà Hiền nói với giọng đượm buồn.

Trò chuyện, Hòa Nhi cho biết 3 năm học cấp ba em đã nỗ lực đạt nhiều thành tích và giành được nhiều học bổng của nhà trường. Những phần thưởng đó đã giúp em phụ mẹ trả nợ và trang trải chi phí cuộc sống. "Vào đại học em sẽ làm thêm và nỗ lực học tốt để tiếp tục giành học bổng", Nhi quyết tâm. Nhìn chồng giấy khen với nhiều thành tích "khủng", đặc biệt là ánh mắt cương nghị của Hòa Nhi, tin rằng em sẽ vượt qua khó khăn, học tốt và sẽ giành được học bổng.

PHẠM ĐƯỢC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_194450_loi-di-ngay-duoi-chan-minh.aspx