'Lợi dụng dân chủ cản trở CSGT thi hành công vụ sẽ bị xử lý'

Theo PC08, việc lợi dụng dân chủ để cản trở người thi hành công vụ,… sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM vừa cho biết, thực hiện thông tư 67/2019 của Bộ Công an về việc quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phòng PC08 đã áp dụng bốn hình thức công khai thông tin.

Việc này nhằm giúp cho người dân theo dõi và giám sát các hoạt động của lực lượng CSGT.

Nhóm người quay phim CSGT khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Mạng xã hội

Nhóm người quay phim CSGT khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Mạng xã hội

Theo đó, bốn hình thức công khai của CSGT gồm: Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Phòng, niêm yết tại trụ sở các Đội/Trạm CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện PC08, Thông tư 67 được ban hành với mục đích là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

“Tuy nhiên, những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở, chống người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – PC08 khẳng định.

PC08 cũng thông tin, Điều 10 của Thông tư 67 đã nêu những việc nhân dân giám sát công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.

“Việc nhân dân giám sát công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ” – PC08 nói.

Ngoài ra, Điều 11 cũng quy định hình thức giám sát của người dân gồm: Thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Đặc biệt, việc giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, như PLO.VN thông tin, trên mạng xã hội đã lan truyền clip ghi lại cảnh một nhóm người (được cho là các youtuber) dùng điện thoại ghi hình “để giám sát” Đội CSGT Phú Lâm đang làm nhiệm vụ gần KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM.

Trong clip, người quay phim cho rằng việc CSGT dựng cọc tiêu để làm nhiệm vụ là lấn chiếm lòng lề đường. “Các anh muốn giăng dây đặt cọc tiêu thì phải có chữ ký của lãnh đạo” – người này nói.

CSGT Phú Lâm trả lời rằng đơn vị này có kế hoạch cụ thể, được phê duyệt nhưng không thể cho người dân xem.

Lãnh đạo PC08 khẳng định việc lực lượng CSGT dựng cọc tiêu, tổ chức kiểm tra chuyên đề trong sự việc trên là hoàn toàn đúng với quy định. CSGT được dừng phương tiện ở vị trí thích hợp để kiểm tra.

“Người dân được quyền giám sát nhưng không được cản trở hoạt động của lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ” – lãnh đạo PC08 nói.

K.HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/loi-dung-dan-chu-can-tro-csgt-thi-hanh-cong-vu-se-bi-xu-ly-969553.html