Lợi dụng lơi lỏng trong phân cấp quản lý - di sản dễ bị tổn thương, xâm hại

Đầu tháng 8 vừa qua, dư luận được phen sửng sốt khi ngôi đình được khởi dựng từ thế kỷ 17, đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bị dỡ đi và thay vào đó một công trình kiến trúc 100% bê tông. Khi đó, dư luận đã đặt câu hỏi, Ban Quản lý di tích cấp xã, huyện và trách nhiệm của chính quyền cơ sở ở đâu?

Chuyện tu bổ di tích bằng cách gạt đi yếu tố di sản, xây mới sao cho to, cho hoành tráng đang trở thành một đề tài nóng của ngành bảo tồn, nhất là khi chủ trương xã hội hóa được nhân rộng.

Không biết hay không hiểu?

Tháng 11-2015, một công trình kiến trúc hoành tráng, 3 tầng, diện tích mặt sàn gần 400m2 “bỗng dưng” xuất hiện tại chùa Thiên Trù thuộc Khu di tích danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Điều lạ lùng là, công trình kiến trúc đồ sộ và lai tạp này tồn tại suốt 2 năm nhưng các cơ quan quản lý không hề hay biết, cho đến khi báo chí phát hiện ra.

Công trình mọc lên ở chùa Hương khi đó có tên gọi là “Hương Nghiêm pháp đường” nằm ở phía phải chùa Thiên Trù, bao gồm 2 tầng mái, công năng sử dụng gồm nhà ăn, hội trường và là nơi lưu trú cho Phật tử cũng như du khách đến chùa mỗi khi có dịp lễ trọng. Công trình hoành tráng như thế, nhưng Trưởng ban Quản lý di tích Danh thắng Hương Sơn (khi đó là ông Nguyễn Chí Thanh) trao đổi với phóng viên về sự việc trên khẳng định là “không thuộc khuôn viên của Thiên Trù” - dù chỉ cách có vài bước chân và hiển nhiên nằm ở vùng bảo tồn cấp 1.

Câu chuyện của “Hương Nghiêm pháp đường” mấy năm sau được lặp lại ở chùa Khúc Thủy (hay còn gọi là chùa Thắng Nghiêm) xã Cự Khê, Thanh Oai. Cũng lại “bỗng dưng” ngôi chùa cổ có một diện mạo mới hoàn toàn, một số công trình xây dựng mới cực kỳ hoành tráng và đương nhiên không liên quan đến truyền thống. Rất lạ là, trong suốt quá trình xây dựng công khai, với nhiều hạng mục mới, kéo dài vài năm trời, chính quyền địa phương… không biết. Với nhiều công trình kiến trúc mới xây, đứng giữa sân chùa, có cảm giác như đang lạc vào một công trình kiến trúc nào đó Trung Quốc hay Thái Lan hoặc Ấn Độ… chứ tuyệt đối không phải công trình tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Chùa Khúc Thủy xây to đến nỗi, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội trong một chuyến đi kiểm tra đã phải thốt lên rằng, kiến trúc mới xây dựng của chùa Khúc Thủy rõ ràng không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ và đương nhiên, làm ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc cũ của ngôi chùa từng được xếp hạng Di tích Quốc gia về nghệ thuật kiến trúc vào năm 1991. Công trình xây dựng đương nhiên không có sự thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT Hà Nội.

Những mảng chạm tuyệt đẹp ở đình Lương Xá nay được thay bằng cột bê tông. Ảnh: Hiếu Trần

Siết lại phân cấp quản lý, hạn chế rủi ro cho di sản

Công tác phân cấp quản lý Nhà nước đối với di tích lịch sử văn hóa đã được UBND TP Hà Nội thực hiện từ những năm 1988 với các quyết định về Quy chế phân công bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đến ngày 17-11-2016, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố”. Theo đó, Hà Nội có 2 cấp quản lý di tích trực tiếp: Cấp thành phố và cấp quận, huyện. Nguyên tắc, cấp nào quản lý di tích thì cấp đó chịu trách nhiệm đầu tư, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Việc phân cấp quản lý, cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đã gặt hái nhiều thành công, góp phần không nhỏ bảo vệ các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử. Ví dụ như quận Long Biên, đến hết năm 2016, hệ thống di tích cơ bản đã được đầu tư đảm bảo theo quy định và truyền thống. Quận tiếp tục đề xuất 5 di tích chùa xếp hạng cấp Quốc gia, kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên 20 di tích góp phần kịp thời bảo tồn chống xuống cấp.

Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, tại một số địa phương để xảy ra tình trạng tự ý tu bổ, tôn tạo, không tuân thủ Luật Di sản và các quy định của thành phố. Hệ thống văn bản pháp lý đã có, nhưng hiệu lực và hiệu quả đến đâu còn do trình độ, phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ thực thi các văn bản đó. Đội ngũ làm công tác này hiện nay thiếu người có năng lực làm công tác bảo tồn, dư thừa không ít những người không có chuyên môn. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng con người để vừa tinh giảm được số lượng, vừa được hiệu suất công tác đang là vấn đề “nóng” .

Thực tế hiện nay, người làm công tác văn hóa ở phường, xã… do chính quyền địa phương chỉ định, hầu như không được quy hoạch đào tạo từ trước, việc quản lý các di tích khi đã phân cấp cho cơ sở lại phụ thuộc rất lớn vào những người làm công tác văn hóa cơ sở và chính quyền sở tại.

“Bên cạnh một số giải pháp đồng bộ khác thì cần nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiên cứu vận dụng các quy chế phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch, đề án, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, tăng cường đầu tư cho bảo tồn di tích. Có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với tổ chức, cá nhân, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn di sản, bên cạnh đó kỷ luật nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra những “thảm họa” trong công tác tu bổ, bảo tồn di tích”

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội

Yên Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/loi-dung-loi-long-trong-phan-cap-quan-ly-di-san-de-bi-ton-thuong-xam-hai/784244.antd