Lợi dụng nCoV để bán hàng giả, kém chất lượng phải bị xử lý hình sự

Bên cạnh những hành động đẹp vì sức khỏe cộng đồng vẫn còn các hành vi lợi dụng dịch bệnh vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong bối cảnh cả nước đang “Chống dịch như chống giặc” như chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngày qua, bên cạnh những tổ chức, cá nhân kinh doanh sẵn sàng gia tăng sản lượng, cam kết giữ vững giá bán thậm chí tổ chức các hoạt động , vẫn có hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai, dịch bệnh vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bán dụng cụ phòng dịch, tăng giá bán, găm giữ hàng nhằm đầu cơ trục lợi.

Tính từ ngày 31/1 đến ngày 9/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.594 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế. Trong đó, chỉ tính riêng ngày 9/2, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 139 cửa hàng, xử lý 13 vụ vi phạm, xử phạt 16,75 triệu đồng, tạm giữ 105 chai nước sát trùng.

Nhiều cửa hàng tại Hà Nội tổ chức bán khẩu trang y tế đúng giá quy định.

Nhiều cửa hàng tại Hà Nội tổ chức bán khẩu trang y tế đúng giá quy định.

Đáng chú ý trong ngày 8/2, Đội QLTT số 26 phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816 - CT2 Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện bà Vân mua cồn 90 độ, dung dịch glycerin để pha chế cùng với nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ bán ra thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được công bố chất lượng và đăng ký kinh doanh nên Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau hơn 1 tuần kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh dụng cụ phòng dịch nCoV, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân.

Tại 63 tỉnh/ thành phố, các nhà thuốc phải ký cam kết với QLTT không được găm hàng, bán đúng giá niêm yết. Trường hợp găm hàng bị phát hiện sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất. Nếu bán khẩu trang mà không niêm yết giá cũng sẽ xử phạt.

Tại các địa phương, lực lượng 389 cũng chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng y tế, công an, biên phòng… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mới đây, đã xuất hiện tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, bán lại. Nước xịt, rất dễ bị làm giả, nhiều nơi cho dung dịch kém chất lượng đưa lên mạng… “Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự”, ông Linh khẳng định.

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Cục đã nhận được các khiếu nại của người tiêu dùng phản ánh về hiện tượng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh để trục lợi, bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, tăng giá bán cho người tiêu dùng.

Để giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD khuyến cáo các doanh nghiệp có trách nhiệm không cung cấp thông tin lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ.

Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không được lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng dịch bệnh để ép buộc giao dịch với người tiêu dùng. Đặc biệt, không lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức của mình để vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như góp phần bảo đảm sự an toàn, ổn định của xã hội. Theo đó, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, thường xuyên cập nhật, tìm hiểu các thông tin chính thức và thực hiện theo các yêu cầu, khuyến cáo, khuyến nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo sức khỏe và có các quyết định tiêu dùng phù hợp.

Người tiêu dùng cần kiên quyết đấu tranh với các hành vi kinh doanh sai trái, không hợp tác với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm những hành vi nói trên, nhanh chóng tố cáo về các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/loi-dung-ncov-de-ban-hang-gia-kem-chat-luong-phai-bi-xu-ly-hinh-su-1008456.vov