Lợi dụng người Tatar Crimea chống Nga: Ukraine sắp nhận quả đắng?

Tổ chức 'Mejlis của người Tatar Crimea' mới đây đã đưa ra một tối hậu thư cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về vấn đề quy chế của bán đảo Crimea.

'Mejlis của người Tatar Crimea' dọa Tổng thống Ukraine Poroshenko

"Mejlis của người Tatar Crimea" - một tổ chức đã bị chính quyền Moscow cấm hoạt động trên lãnh thổ Nga sẽ tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng của người Tatar Crimea ở Kiev, nếu các chính quyền Ukraine không thừa nhận bán đảo trở thành "lãnh thổ tự trị của người Tatar Crimea”.

Một trong những nhà lãnh đạo của tổ chức, người khởi xướng cuộc phong tỏa Crimea là ông Lenur Islyamov tuyên bố điều này hôm 16/3.

Điều mà ông Lenur Islyamov đề cập ở đây là việc củng cố vị thế của của người Tatar Crimea trong hiến pháp Ukraine, thừa nhận "chính quyền quốc gia tự trị" và định dạng lại Crimea thành "lãnh thổ quốc gia tự trị" của dân tộc người gốc Thổ Nhĩ Kỳ này.

Dự luật về vấn đề này đã được đưa ra trước quốc hội bởi đại biểu Mustafa Dzhemilev, một nhà tổ chức khác trong cuộc phong tỏa lương thực và năng lượng đối với bán đảo Crimea suốt từ năm 2016 đến nay.

Theo ông Islyamov, sự chậm trễ trong việc chấp nhận cải cách hiến pháp là "một sai lầm rất lớn" của Tổng thống Poroshenko, trong đó có vấn đề quy chế tự trị của bán đảo Crimea. Nhà lãnh đạo này đe dọa, nếu tình hình không thay đổi trong thời gian tới, các hoạt động phản đối của người Tatar Crimea sẽ được tổ chức gần quốc hội Ukraine.

Một nhà lãnh đạo khác của tổ chức "Mejlis của người Tatar ở Crimea” là đại biểu Quốc hội Ukraine Refat Chubarov cũng tuyên bố rằng, tất cả người Nga sống ở Crimea sẽ được yêu cầu rời khỏi bán đảo.

"Tất cả người Nga đang ở đó, hay có ý định sẽ chuyển sang thường trú tại Crimea… nên biết họ sẽ phải rời khỏi bán đảo này" - vị Chủ tịch của Mejlis nói trên "Kênh 5" và khẳng định rằng, đây là lựa chọn duy nhất cho sự phát triển tình hình trên bán đảo.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014, nhân dân bán đảo Crimea, trong đó có người Tatar đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga

Được biết, hồi tháng 4/2016, "Mejlis của người Tatar Crimea" - tổ chức xã hội "lưu vong" (ở Ukraine) đã bị Tòa án tối cao Crimea (trước thuộc Ukraine, đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga tháng 3/2014) liệt vào danh sách "tổ chức cực đoan" và bị cấm hoạt động tại Nga.

Majlis trước đây là cơ quan điều hành của Kurultai (Đại hội toàn quốc người Tartar Crimea), tự coi mình là đại diện của nhân dân Tatar vùng Crimea. Lãnh đạo Majlis Chubarov và Dzhemilev phản đối việc sáp nhập Crimea vào Nga và đã chuyển sang sinh sống ở Ukraine.

Công tố viên Crimea là bà Natalia Poklonskaya nói rằng, tổ chức này được thiết lập hoàn toàn nhằm hoạt động chống Nga, còn các thủ lĩnh Refat Chubarov và Mustafa Cemil "là những con rối trong tay phương Tây, và người dân Tatar ở Crimea bị họ lợi dụng".

Do các tuyên bố cực đoan, kích động hận thù dân tộc, năm 2014, họ bị cấm nhập cảnh vào Nga trong 5 năm. Cả hai chính khách này cũng là những người tổ chức phong tỏa lương thực và năng lượng chống bán đảo Crimea. Theo công tố viên Poklonskaya, các thủ lĩnh Majlis hợp tác với lính đánh thuê của các tổ chức khủng bố như "Grey Wolves" và "Hizb ut-Tahrir" của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phá hoại cuộc sống của nhân dân bán đảo Crimea và chống Nga.

Ukraine nhận quả đắng từ hành động cực đoan chống Nga?

Từ trước đến nay, chính quyền Kiev đã sử dụng rất nhiều biện pháp để rắp tâm đòi lại Crimea, ví dụ như bao vây phong tỏa các tuyến đường bộ và đường biển; cắt nước, cắt điện, cắt đường tiếp tế cho bán đảo, nhằm khiến cuộc sống của nhân dân thêm khốn khó, suy giảm lòng tin vào Nga.

Nguồn Gia Đình VN: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/loi-dung-nguoi-tatar-crimea-chong-nga-ukraine-sap-nhan-qua-dang-3354952/