Lời giã từ trong bão

Theo lịch trình, sau khi thăm đảo Trường Sa Lớn và một số đảo nổi, đoàn công tác ghé qua nhà giàn DK1. Hơn mười lăm năm trước, Quang đã từ đây mãi mãi ra đi trong một đêm bão tố.

Cách nhà giàn chừng hai trăm mét, tàu dừng lại. Mọi người làm lễ thả hoa tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh. Trong khi vòng hoa lớn của đoàn với những nén tâm hương nghi ngút khói bập bềnh trên sóng, Nga lấy từ trong ba lô ra một vòng hoa lụa, giữa vòng hoa là một chú Tễu nhỏ. Cô nhẹ nhàng thả vòng hoa xuống biển, nghẹn ngào trong nước mắt: “Anh Quang ơi! Mười lăm năm rồi, giờ em mới đến thăm anh được. Xin anh tha lỗi cho em. Chú Tễu nhỏ này em tặng anh, lúc ra đi anh không kịp mang theo, nay em xin gửi lại anh để trên ấy anh luôn nhớ về quê hương, nhớ về em, anh nhé!”. Thuyền trưởng thấy vậy, lấy làm lạ, hỏi tôi: “Chị ấy có phải là người nhà của liệt sĩ không anh?”. Tôi đáp: “Chị ấy là người yêu của một trong những chiến sĩ đã hy sinh tại nhà giàn này”. Nhìn đôi vai đang rung lên của Nga, ký ức xưa lại hiện về trong tôi rõ mồn một.

 Minh họa: Tô Minh Ngọc

Minh họa: Tô Minh Ngọc

Tôi, Quang và Nga sinh ra ở một làng quê múa rối nước đã thành truyền thống. Cha Nga là ông Cả phường rối, một nghệ nhân vừa có tài đẽo gọt con rối, vừa là người biểu diễn điệu nghệ nhất làng. Ông đã truyền cảm hứng nghề cho con gái từ khi cô bé còn tuổi thiếu niên. Nga đẹp và hát hay nổi tiếng. Ba chúng tôi đều trong đội múa rối, thân thiết với nhau từ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, chẳng riêng gì tôi, Quang, mà hầu hết trai làng ai cũng thầm yêu trộm nhớ con gái ông Cả phường. Cho đến một chiều tháng sáu, bọn con trai chúng tôi đi dự giải bóng đá ở huyện về thì gặp lúc Nga đang chèo thuyền hái hoa sen trên hồ. Cả bọn nhao nhao: “Nga ơi, em có thể tặng bọn anh mỗi người một bông được không?”. “Vâng! Em sẵn lòng!”. Cả đám con trai đều nhận ra trong bó hoa ấy chỉ có một bông trắng duy nhất. Bông hoa ấy không chỉ trắng muốt, tinh khiết, mà nó đang hé nở e ấp như tấm lòng người con gái. Nga tặng mỗi người một bông sen đầu mùa tươi mát. Riêng bông hoa trắng, cô tặng Quang. Cả bọn con trai reo lên: “Vậy là Quang được thiên vị đặc biệt rồi nhé!”. Quang thì lúng túng đến ngơ ngác giữa đám bạn bè. Lúc đó trai làng mới biết Nga đã trao tình cảm cho Quang, đứa đẹp trai, giỏi giang nhất.

Chúng tôi lên đường nhập ngũ vào đầu xuân. Trong cảnh tiễn đưa bịn rịn, Nga đặt vào tay Quang một chiếc khăn thêu trắng và hình chú Tễu nhỏ được đẽo gọt rất công phu. Cô nói trong nước mắt: “Chú Tễu giản dị này là phường rối nước của chúng mình, là tấm tình của em. Em đợi ngày anh trở về”. Tàu lăn bánh rời ga. Những bàn tay vẫy những bàn tay tiễn đưa lưu luyến.

Chúng tôi học qua một lớp thông tin vô tuyến điện và được biên chế vào Quân chủng Hải quân. Cả hai được giao nhiệm vụ bảo vệ một nhà giàn DK1. Ngày xuống tàu ra nhà giàn, thủ trưởng đơn vị đến căn dặn, động viên và kiểm tra cẩn thận những thứ cần thiết trang bị cho chúng tôi mang theo. Thật tình cờ, thủ trưởng đơn vị chính là chú Quảng, người cùng làng. Trước khi chia tay, chú bắt tay chúng tôi rất chặt: “Ở nhà giàn sẽ cô đơn, vất vả lắm. Nhưng chú tin các cháu, cha mẹ và làng xóm tin các cháu sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ!".

Khi con tàu đưa chúng tôi ra nhà giàn chỉ còn là một cái chấm trắng ở chân trời, mọi người nhận ra ngay sự cô đơn. Nơi chúng tôi ở là một cái nhà rộng khoảng một trăm mét vuông, bốn bề mênh mông trời nước. Đọc thấy ngay điều đó, anh Hiền, chỉ huy trưởng nhà giàn tập hợp chúng tôi lại:

- Chúng ta có chín anh em trên nhà giàn này. Quân số chỉ tương đương một tiểu đội, nhưng nhiệm vụ lại quan trọng như một cánh quân bảo vệ tiền đồn của Tổ quốc. Từ nay chúng ta là ruột thịt, sống chết có nhau-Rồi anh chỉ vào chiếc máy vô tuyến điện-Quang và Ngọc có nhiệm vụ luôn luôn bảo đảm máy tốt, điện thông vì đây là phương tiện duy nhất để chúng ta liên lạc về đất liền.

Chúng tôi thuộc lớp lính nhà giàn đầu tiên, trên một trong những ngôi nhà giàn thế hệ đầu tiên. Hồi đó đất nước rất khó khăn, vật tư thiếu thốn, ta lại chưa có kinh nghiệm xây dựng công trình biển trên nền san hô. Xây dựng được ngôi nhà giàn giữa biển khơi đương đầu được với bão tố là một thành công rất lớn của các nhà khoa học, các kỹ sư, công nhân. Chín anh em quây quần bên nhau. Chuyện gia đình, chuyện tình yêu, bạn gái kể mãi cũng cạn, số sách báo mang theo đọc mãi cũng hết. Máy thu hình không chịu nổi hơi nước mặn nên rất hay hỏng hóc. Phương tiện giải trí duy nhất là chiếc đài bán dẫn. Nhờ nó, chúng tôi biết mọi thứ trên đời: Tin tức đất liền, ca nhạc, đọc truyện, thời tiết... Thời gian rảnh, chúng tôi câu cá làm thức ăn, phơi khô để làm quà gửi về đất liền. Nhưng tất cả những việc ấy không thể khỏa lấp nỗi nhớ nhà. Nỗi nhớ cháy lòng khi trời yên biển lặng, và cả khi biển nổi giận, những ngọn sóng như chực chồm lên nơi chúng tôi ở. Chúng tôi ngóng tàu từ đất liền ra. Những chuyến tàu ấy không chỉ mang nước, dầu, lương thực thực phẩm, mà quan trọng hơn là những lá thư nhà. Mỗi lá thư đều trở thành tài sản chung của cái gia đình nhỏ chín người chúng tôi. Những đứa chưa có “một mảnh tình vắt vai” như tôi thì đêm đêm nằm mơ tới người con gái mà mình thầm yêu trộm nhớ. Không biết bao nhiêu buổi chiều, tôi và Quang ngồi ngắm mặt trời lặn. Những lúc như thế, Quang thường cầm chú Tễu nhỏ xinh trong tay. Nhìn cái cách vân vê, ngắm nghía chú Tễu, tôi hiểu rằng nó đang nhớ Nga, nhớ quê da diết. Quang nói với tôi rằng hết nghĩa vụ quân sự, nó sẽ về cưới Nga, sẽ trọn đời xây dựng phường rối nước, và nhất định phải làm cho cả thiên hạ biết đến tinh hoa nghệ thuật rối nước của làng quê mình.

Hôm ấy đài báo sẽ có bão lớn quét qua nhà giàn. Sở chỉ huy thông báo bão lần này gió có thể giật cấp mười bốn, yêu cầu phải chằng buộc thật cẩn thận mọi thứ, đặc biệt là hệ thống điện, ăng ten thông tin để giữ liên lạc với đất liền. Khoảng nửa đêm, trời bắt đầu mưa xối xả, ngồi trong nhà nghe tiếng gió rít ầm ầm ngoài cửa sổ. Đến tảng sáng, biển thực sự gầm thét cuồng nộ. Những ngọn sóng cao như trái núi xô về phía nhà giàn. Mấy lần trèo lên mái nối dây ăng ten, tôi phải lấy dây buộc mình vào lan can để không bị bay xuống biển. Rồi sóng chồm qua sàn nhà, gió thổi bay cánh cửa, giật đứt mọi dây chằng, quật đổ tất cả các giá để gạo, quân trang và vũ khí. Nhà bắt đầu rung lắc. Để máy liên lạc vô tuyến không bị đổ, Quang lấy thân mình chặn máy, một tay níu vào cột nhà, một tay cầm bộ đàm. Phía đất liền là tiếng chú Quảng đầy lo lắng: “Cố bám trụ! Nếu phải rời nhà giàn thì hãy báo ngay về, cố gắng tránh thương vong, đơn vị sẽ đưa tàu ra ứng cứu!”. Khi anh Hiền trả lời: “Rõ” thì ngôi nhà bị một đợt sóng xô lệch hẳn sang một bên. Anh hét lớn: “Tất cả mặc áo phao, sẵn sàng thực hiện phương án rời nhà giàn!”. Lại một con sóng khổng lồ chồm tới như một cú đánh bồi khủng khiếp. Mọi người nhảy xuống chiếc phao bè đang bị quật qua quật lại dữ dội dưới chân chúng tôi. Trong tiếng gầm rít của bão, tiếng nói cuối cùng tôi nghe được là tiếng gào của Quang: “Nhà giàn đang đổ, chào chú, cháu rời nhà giàn đây!”.

Tôi không biết cuộc vật lộn với sóng gió diễn ra bao lâu, không biết bao nhiêu lần bị nhấn chìm dưới những ngọn sóng cao như núi. Chiếc phao bè nhỏ nhoi cứ quằn quại giữa trùng khơi. Có lúc bị sóng đánh văng khỏi phao bè, tôi phải vất vả lắm mới bám trở lại được. Khi sóng gió bớt dữ dằn, mọi người xót xa nhìn nhau: Chín anh em giờ chỉ còn sáu. Quang cùng hai đồng đội đã nằm lại đâu đó quanh đây. Phía xa, ngôi nhà giàn của chúng tôi đã bị sóng cuốn, nhưng bốn cái trụ thì vẫn trơ trơ vươn lên giữa trời. Chúng tôi bơi về phía đó. Nhà giàn là Tổ quốc. Dù sóng cồn bão tố, những chân trụ của nó vẫn cắm sâu xuống thềm lục địa, trân trân đứng đó khẳng định chủ quyền. Bỗng có một vật gì nho nhỏ đang bị những ngọn sóng bạc đầu đẩy lại phía tôi. Chú Tễu của Quang! Tôi vươn tay nắm lấy. Giữa trời mưa lạnh và những con sóng không ngớt quất vào mặt, tôi vẫn cảm thấy như nắm được hơi ấm của bàn tay bạn. Tôi mang bức tượng chú Tễu nhỏ bé cùng đồng đội trụ lại dưới chân nhà giàn. Từ chân trời phía tây, một chiếc tàu hải quân đang xé sóng lao tới…

Dù tháng tư biển lặng gió, nhưng việc cập được ca nô vào chân nhà giàn vẫn không hề dễ chút nào. Nhà nhỏ, nên chỉ một số người được lên thăm chiến sĩ. Nga nằm trong số được ưu tiên đó. Những người lính nhà giàn, vẫn là những chàng trai trẻ trung như chúng tôi ngày nào. Họ mừng rỡ đón khách, nhất là các cô gái. Chỉ những người trải qua cuộc sống trong căn nhà nhỏ bé này mới hiểu hết được chiều sâu niềm vui mừng của họ. Nhà bây giờ đã vững chãi, to đẹp. Điện mặt trời, điện gió, máy thu hình đời mới, sân bay trực thăng trên nóc… Cuộc sống lính nhà giàn đã thoải mái hơn trước rất nhiều. Nhưng cảm giác cô đơn và ý chí chiến đấu của nam nhi giữa trùng khơi biển cả thì vẫn không có gì thay đổi. Tôi dắt Nga đến cái góc nhỏ giống như vị trí ngày xưa đặt điện đài, nơi Quang nói những lời giã biệt cuối cùng. Nga khóc. Tôi không nỡ ngăn nỗi niềm của em đang tràn ra theo tiếng nấc. Tôi nhìn qua cửa sổ. Xa kia là chân trời với những ngọn sóng bạc đầu đang nối nhau xô về phía nhà giàn, rồi chúng sẽ cùng nhau vào đến tận bờ của Tổ quốc. Tôi muốn nói với em rằng, dù đất nước đã hòa bình nhưng những người phụ nữ có người yêu, có chồng là lính nhà giàn thì vẫn cần xác định tâm thế hướng về người thương đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Truyện ngắn của HỒ SỸ HẬU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/loi-gia-tu-trong-bao-610469