Lời giải cho tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư

Những năm gần đây, vấn đề tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại các chung cư ở đô thị lớn như Hà Nội ngày càng trở nên căng thẳng. Hình ảnh cư dân căng băng rôn biểu tình đòi quyền lợi đã không còn xa lạ tại nhiều dự án chung cư tại Hà Nội.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà, cụm tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Việc quản lý vận hành chung cư hiện còn nhiều tồn tại, bất cập. Khoảng 10% chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Thống kê từ Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng, có khoảng 130 nhà chung cư tại Hà Nội đang nảy sinh khiếu kiện, do mâu thuẫn. Việc không tìm được tiếng nói chung nguyên nhân không có nhiều, chủ yếu xuất phát từ việc chỉnh trang, cải tạo tòa nhà (quỹ 2% bảo trì) hay do chủ đầu tư (CĐT) định giá các dịch vụ, khai thác tăng cao tới mức vô lý trong quá trình vận hành. Vụ việc tại Artermis mới đây còn để lại nhiều dư âm khi cả khách hàng và CĐT đều đưa ra các lý lẽ của riêng mình. Sự vụ vẫn đang trong quá trình hòa giải để có cái kết tốt thỏa mãn cho cả hai bên.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên – cư dân chung cư Artermis chia sẻ: “Yêu cầu, nguyện vọng của cư dân là các cấp chính quyền hợp tác, sớm thành lập ban quản trị để cư dân chúng tôi thu hồi được phí bảo trì, tiếp tục sửa chữa, nâng cấp. Vì tòa nhà đi vào hoạt động đã 6 năm, hiện giờ các hạng mục bắt đầu xuống cấp. Thứ hai là để đảm bảo cuộc sống an sinh, an toàn cho cư dân Artemis”.

Chung cư Artermis

Bên cạnh đó, số lượng các vụ tranh chấp về sở hữu chung - riêng đối với hầm giữ xe ô tô cũng chiếm số lượng không nhỏ và là nguồn cơn làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khác. Còn nhớ hồi tháng 8, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư chung cư Five Star Garden (quận Thanh Xuân, Hà Nội) về vấn đề này đã gây xôn xao dư luận. Phải bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nhà ở, giờ đây muốn có chỗ để ô tô cư dân lại phải bỏ ra thêm hàng trăm triệu đồng.

Anh Lê Thái Bình – cư dân chung cư Five Star Garden cho biết: “Về quy trình thông báo đến người dân, thực sự bà con chỉ nhận được một email từ chủ đầu tư mà không có cuộc họp nào, không có một cuộc bàn bạc nào với bà con, như thế bà con sẽ có cảm giác bị áp đặt. Nếu bây giờ gói thấp nhất là gói 5 năm thì vô hình chung phải đóng một lúc gấp 60 lần, như thế cũng không đảm bảo được sự ổn định tài chính cho bà con, gây nhiều xáo trộn trong sinh hoạt”.

Trước đây Nghị định 71/2010 quy định phải ghi rõ phần sở hữu riêng, chung trong hợp đồng mua bán căn hộ. Song Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở hiện nay không có quy định này. Phần lớn người mua chỉ chú ý đến giá cả, chất lượng căn hộ mà ít quan tâm đến điều khoản về sở hữu chung, riêng trong hợp đồng. Sau khi căn hộ bàn giao, cư dân bắt đầu sinh sống sẽ phát sinh những vấn đề tranh chấp, mà phần lớn sự thiệt thòi lại thuộc về cư dân.

Cũng theo các chuyên gia, để giải quyết dứt điểm tranh chấp phí bảo trì chung cư, cần phải có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm trong quản lý nhà chung cư, chậm bàn giao kinh phí bảo trì và phát huy vai trò quản lý của UBND cấp phường, xã đối với chủ đầu tư, ban quản trị, tổ dân phố tại các tòa nhà, cụm nhà chung cư.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/loi-giai-cho-tranh-chap-giua-cu-dan-va-chu-dau-tu-206187.htm