Lời giải kinh ngạc về nguyệt thực toàn phần của người xưa

Nguyệt thực toàn phần là một hiện tượng thiên văn thú vị. Vào rạng sáng 28/7, người dân thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Vào thời cổ đại, hiện tượng thiên nhiên này được người xưa có những cách lý giải khác nhau.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào khoảng 0h14, khi đó mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối và kết thúc vào khoảng 6h30 sáng ngày 28/7 tới đây. Thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần trong khoảng thời gian từ 3h21 - 4h13.

Trong khi người dân thế giới hiện rất chờ đợi để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị trên thì một số nền văn minh cổ đại lại không chào đón nó.

Cụ thể, theo truyền thuyết của người Inca, nguyệt thực xảy ra là khi có một con báo jaguar (báo đốm Nam Mỹ) tấn công và ăn Mặt Trăng.

Chính vì vậy, Mặt Trăng bị chảy máu và trở nên đỏ sẫm. Người dân Inca thời xưa con tin rằng, sau khi ăn Mặt Trăng, con báo sẽ lao xuống Trái Đất và ăn thịt người.

Chính vì vậy, người dân Inca nhìn thấy hiện tượng nguyệt thực lại tập trung vào một chỗ, vung giáo hướng về Mặt Trăng. Đồng thời, họ gây ra nhiều tiếng động, hét lớn nhằm xua đuổi con báo, tránh để nó gây hại đến tính mạng con người.

Đối với người Lưỡng Hà thời xưa, hiện tượng nguyệt thực xảy ra được cho là một cuộc tấn công nhắm vào hoàng đế của họ.

Do vậy, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của nhà vua, người dân tìm một người thay thế, đóng giả hoàng đế trong một thời gian ngắn.

Người giả mạo hoàng đế được cho là sẽ gánh chịu cái chết thay cho nhà vua.

Sau khi hiện tượng nguyệt thực kết thúc, vị vua giả sẽ trở thành nạn nhân hiến tế thần linh.

Mời quý độc giả xem video: Nguyệt thực toàn phần xuất hiện vào cuối tuần (nguồn: VTC14)

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/loi-giai-kinh-ngac-ve-nguyet-thuc-toan-phan-cua-nguoi-xua-1090423.html