Lời hứa bi kịch của người cơ phó trên chuyến bay 'tử thần' ở Nepal

Anju Khatiwada, cơ phó chuyến bay gặp nạn tại Pokhara, Nepal của hãng hàng không Yeti Airlines, có chồng là phi công cũng chết vì tai nạn máy bay 17 năm trước.

Khi chồng Anju Khatiwada, một phi công của hãng hàng không nhỏ ở Nepal, qua đời trong vụ tai nạn máy bay năm 2006, cô đã thề sẽ tiếp tục ước mơ của anh.

Bất chấp bị gia đình phản đối, Khatiwada từ bỏ nghề y tá và theo đuổi khóa đào tạo phi công nhiều năm tại Mỹ, nuôi dạy con gái với sự giúp đỡ của cha mẹ. Khi trở về Nepal, theo bước chân của chồng, cô gia nhập Yeti Airlines vào năm 2010, tích lũy hàng nghìn giờ trên không với mục tiêu trở thành cơ trưởng.

Thế nhưng, hôm 15/1, Khatiwada cũng gặp số phận giống chồng mình. Chiếc máy bay ATR 72 hai động cơ mà cô cùng cầm lái đã lao thẳng xuống một hẻm núi dốc đứng, vỡ thành nhiều mảnh và bốc cháy khi đến gần trung tâm thành phố Pokhara hôm 15/1.

Cho đến nay, 71 thi thể trong số 72 người trên chuyến bay đã được tìm thấy. Theo các quan chức địa phương, hy vọng tìm được người còn sống là bằng không.

 Cơ phó Anju Khatiwada. Ảnh: India Today.

Cơ phó Anju Khatiwada. Ảnh: India Today.

"Tôi muốn mặc đồng phục màu trắng giống chồng"

“Cha của Anju đã yêu cầu con bé không chọn nghề phi công”, Gopal Regmi, một người họ hàng, cho biết. “Thế nhưng, sau cái chết bi thảm của chồng, con bé quyết tâm trở thành phi công”.

Là phi công với hơn 6.400 giờ bay, Khatiwada trước đây đã bay tuyến du lịch nổi tiếng từ thủ đô Kathmandu đến thành phố lớn thứ hai của đất nước, Pokhara, phát ngôn viên hãng hàng không Sudarshan Bartaula nói với Reuters.

"Chồng cô ấy, Dipak Pokhrel, qua đời năm 2006 trong một vụ tai nạn máy bay Twin Otter của Yeti Airlines ở Jumla", Bartaula ám chỉ Khatiwada. "Cô ấy học nghề lái phi công bằng số tiền nhận được từ bảo hiểm sau khi chồng qua đời".

Chồng của Khatiwada, Dipak Pokhrel, là phi công trực thăng quân sự trước khi gia nhập Yeti. Chiếc máy bay đa dụng Twin Otter mà anh cùng điều khiển vào năm 2006 đã bị rơi ngay gần đường băng ở Jumla, khiến 9 người thiệt mạng.

Con gái của họ, hiện đã trưởng thành và sống ở Canada, mới chỉ 6 tuổi khi cha qua đời, ông Regmi cho biết.

Ông kể lại câu chuyện Khatiwada nói trong buổi phỏng vấn xin thị thực Mỹ để đi học khóa huấn luyện phi công.

“Tôi chỉ muốn mặc đồng phục màu trắng giống chồng mình và làm phi công”, ông Regmi dẫn lại lời cô.

Vào hôm 16/1, những bức ảnh của Khatiwada trong bộ đồng phục phi công đã lan truyền trên mạng xã hội với những lời nhắn chia buồn.

Nỗi buồn kép mà gia đình Khatiwada phải gánh chịu là một phần của thảm họa hàng không chết người ở Nepal. Quốc gia Nam Á nhỏ bé này đã phải hứng chịu hàng loạt vụ tai nạn và sai sót khác về an toàn hàng không trong những thập kỷ gần đây.

Cho đến nay, 71 thi thể trong số 72 người trên chuyến bay đã được tìm thấy. Ảnh: Reuters.

Đi tìm nguyên nhân

Các chuyên gia cho biết điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tầm nhìn hạn chế và địa hình đồi núi đã khiến ngành hàng không của Nepal gặp nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, quy định không đầy đủ, cùng đội máy bay già cỗi và năng lực kỹ thuật tụt hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên.

Chính phủ Nepal đã bổ nhiệm một ủy ban gồm 5 thành viên để điều tra vụ tai nạn mới nhất, và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của máy bay đã được phục hồi hôm 15/1.

Nguyên nhân của thảm họa không rõ ràng. Các chuyên gia hàng không cho biết chỉ khi có kết quả điều tra mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác khiến chiếc máy bay do nhà sản xuất ATR của Pháp - Italy chế tạo cách đây khoảng 15 năm bị rơi.

Dù vậy, dựa trên đoạn video được ghi lại ngay trước khi vụ tai nạn xảy ra, các chuyên gia cho biết nguyên nhân có thể xuất phát từ lỗi động cơ cho đến việc phi công đột ngột mất kiểm soát.

Đoạn video do các nhân chứng tại khu dân cư xung quanh sân bay Pokhara quay lại cho thấy một cánh của chiếc ATR-72 đột ngột hạ xuống khi máy bay hạ độ cao trên bầu trời quang đãng. Sau đó, nó lao xuống hẻm núi và bốc lửa.

Một video khác, phát trực tiếp trên Facebook, quay bên trong máy bay khi nó đến gần đường băng và hành khách đã lấy lại tín hiệu điện thoại.

Nó được phát bởi một hành khách người Ấn Độ, Sonu Jaiswal, người đang đi du lịch đến ngôi đền Hindu và thăm thú Nepal cùng với 3 người bạn sống cùng quận, thuộc bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ.

Trong video phát trực tiếp dài 90 giây, Jaiswal mặc áo len màu vàng. Anh và bạn đang rất phấn khích khi máy bay hạ cánh, trước khi nó ngoặt mạnh sang một bên. Tiếng kêu được nghe thấy trong thời gian ngắn trước khi ngọn lửa bao trùm khung cảnh.

“Sonu đã phát video trực tiếp trên Facebook. Điện thoại di động của anh ấy chắc đã bị cháy khi nó dừng lại”, Vishal Kushwaha, bạn của Jaiswal, người đáng lẽ đã tham gia chuyến du lịch nhưng hủy bỏ vào phút cuối vì vấn đề gia đình, cho biết. “Họ đáng lẽ phải quay lại vào ngày hôm nay”.

Đây là vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất ở Nepal trong 30 năm qua. Ảnh: AP.

Cha của Jaiswal, Rajendra Prasad Jaiswal, người đang trên đường đến Nepal để nhận dạng thi thể, cho biết ông nhận được tin về vụ tai nạn từ trang Facebook của con trai. Theo Times of India, Jaiswal, 29 tuổi, đã thiệt mạng, bỏ lại vợ, con gái 4 tuổi và con trai 8 tháng tuổi.

Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, Nepal đã xảy ra hơn 30 vụ tai nạn hàng không chết người kể từ đầu những năm 1990. Gần đây nhất là vụ rơi máy bay của Tara Air vào tháng 5/2022, khiến 22 người trên khoang thiệt mạng.

Các vụ tai nạn vẫn tiếp diễn ngay cả khi quan chức chính phủ ghi nhận sự cải thiện trong tiêu chuẩn hàng không. Năm 2009, cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc đánh giá việc thực hiện các quy trình an toàn của Nepal ở mức 47%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn có thể chấp nhận được vào thời điểm đó.

Cơ quan hàng không dân dụng của nước này cho biết thứ hạng đó đã được cải thiện lên 70% vào năm 2022 trong lần gần nhất Nepal được xem xét.

Bijender Siwach, phi công quân sự đã nghỉ hưu và là giám đốc của An toàn Hàng không Ấn Độ, tổ chức phi lợi nhuận đào tạo và phân tích tai nạn, nói rằng đoạn video cho thấy thời tiết, địa hình không phải là yếu tố gây tai nạn bởi bầu trời quang đãng khi máy bay đã ở gần bãi đáp.

Trong khi câu trả lời chắc chắn sẽ chỉ có được sau cuộc điều tra, ông Siwach cho biết, nguyên nhân có thể là do máy móc hỏng hóc hoặc lỗi con người khiến máy bay rơi vào tình trạng được gọi là chết máy. Trong trường hợp như vậy, máy bay giảm tốc độ quá quanh nên không thể duy trì độ cao, từ đó mất kiểm soát.

“Nếu nó xảy ra ở độ cao hơn 1.500 hoặc 3.000 m, máy bay có thể đã phục hồi ở độ cao hơn 600 m nếu phi công có phản ứng”, ông Siwach nói. “Nhưng nếu độ cao quá thấp, có thể là hơn 70 hoặc 90 m, phi công hoàn toàn không có cơ hội”.

Không nhận dạng được nhiều thi thể của chuyến bay 'tử thần' ở Nepal Lửa lớn và khói đen dày đặc khiến đội cứu hộ khó tiếp cận và giải cứu người trong chiếc máy bay rơi ở Nepal hôm 15/1. Một số thi thể bị cháy đến mức không thể nhận dạng.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-hua-bi-kich-cua-nguoi-co-pho-tren-chuyen-bay-tu-than-o-nepal-post1394686.html