Lợi ích của việc học sinh đọc sách tham khảo

Nhiều người làm công tác khuyến đọc cho rằng sách tham khảo rất cần thiết cho cả thầy và trò, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh này.

Năm học 2021-2022 vừa bắt đầu trong bối cảnh đặc biệt. Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các em không thể tới trường, việc học vì thế gặp nhiều trở ngại.

Nhằm hỗ trợ việc học, đồng thời giúp hình thành thói quen đọc sách, từ đó phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và cảm xúc của học sinh, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam - phối hợp Công ty Đường Sách TP.HCM và các đơn vị làm sách đã thực hiện “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học”.

Danh mục này được những người làm công tác khuyến đọc có nhìn nhận, đánh giá tích cực. Họ cho rằng trong thời điểm dịch bệnh, học sinh và giáo viên càng nên đọc sách tham khảo vì chúng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình dạy và học.

 Bên cạnh sách giáo khoa, học sinh nên đọc thêm nhiều đầu sách tham khảo ngoài giờ học. Ảnh: Thanh Đồng.

Bên cạnh sách giáo khoa, học sinh nên đọc thêm nhiều đầu sách tham khảo ngoài giờ học. Ảnh: Thanh Đồng.

Mở rộng kiến thức, phát triển trí tuệ

Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương là diễn giả trong nhiều sự kiện về chủ đề giáo dục và khuyến đọc. Người được mệnh danh "bán sách rong" này cho rằng nếu học sinh chỉ đọc sách giáo khoa thì không thể gọi là học và đọc đúng nghĩa. Việc đọc sách tham khảo rất quan trọng.

Từng du học ở Nhật Bản - đất nước có nền văn hóa đọc phát triển ở châu Á - anh Vương cho biết ở nhiều quốc gia, mỗi năm học sinh đọc từ vài chục đến hàng trăm cuốn sách. Điều này giúp trẻ phát triển trí tuệ ở trẻ.

Năm học mới vừa bắt đầu, việc học ở thời điểm hiện tại chủ yếu diễn ra ở hình thức online, nên học sinh càng cần có sách tham khảo.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books

“Ở Việt Nam, các cấp học sinh chủ yếu chỉ đọc sách giáo khoa, giáo trình, nên kiến thức hạn hẹp, tư duy không rộng mở, thiếu nền tảng cơ bản. Trẻ em đang bị nhồi nhét học nhiều thứ không thật sự cần thiết, trong khi đọc sách bị coi nhẹ. Việc tạo môi trường cho học sinh đọc nhiều sách tham khảo và lan rộng thói quen ấy là điều nên làm”, dịch giả Nguyễn Quốc Vương nêu quan điểm.

“Tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books (người được biết đến với hàng trăm dự án khuyến đọc trên khắp cả nước), cũng cho rằng ở thế kỷ 21, một kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần là tự học. Trong đó, tự đọc là điều quan trọng nhất.

“Năm học mới vừa bắt đầu, việc học ở thời điểm hiện tại chủ yếu diễn ra ở hình thức online, nên học sinh càng cần có sách hỗ trợ, giáo viên cũng cần có sách hỗ trợ cho giảng dạy. Điều này giúp hướng đến mục tiêu mở rộng kiến thức. Tôi mong danh mục sách này sẽ đến được từng ngôi trường trên khắp cả nước trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng bày tỏ.

Chương trình "Sách hay cho học sinh" giới thiệu nhiều đầu sách bổ ích tới các em. Ảnh: Liêu Lãm.

Cải thiện từ vựng, hình thành nhân cách

Nhiều năm qua, anh Nguyễn Quang Thạch được biết đến với vai trò người khởi xướng và thực thi dự án “Sách hóa nông thôn”. Đến nay, nhiều tủ sách từ dự án của anh đã được nhân rộng, đưa anh trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016.

Là người tích cực trong phong trào xây dựng văn hóa đọc tại nông thôn, anh nhận thấy Việt Nam và nhiều nước phát triển có bức tranh đối nghịch về tỷ lệ trẻ em đọc sách. Cụ thể ở Mỹ, từ khi học mầm non, trẻ đã được nghe sách rất nhiều, khoảng 50-70 cuốn/năm.

“Ít nhất mỗi cuốn sách tham khảo, dù là sách tranh, cũng sẽ có 5-10 từ vựng. Học sinh khi đọc sách, vốn từ vựng sẽ được nuôi dưỡng, cải thiện tích cực”, anh Nguyễn Quang Thạch nhận định.

Người đàn ông “cõng sách về làng” cho rằng việc đọc nhiều đầu sách, nếu được hình thành từ sớm, sẽ hiệu quả hơn, vì nó giúp ích trực tiếp cho việc học tập của các em.

Song, anh cũng nhấn mạnh rằng không nên cưỡng bức các em đọc sách, cha mẹ nên đọc sách cùng con, tạo tâm lý thoải mái bằng cách dẫn nhập nhẹ nhàng, tự nhiên. Trẻ vốn có tính ham hiểu biết, chỉ cần đọc sách với niềm yêu thích, chúng sẽ lĩnh hội được trọn vẹn kiến thức.

Kiến thức chúng ta học chỉ phát huy tiềm năng của não trái. Việc đọc sách tham khảo giúp trẻ phát triển toàn diện cả não phải và trái.

Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt (người đã thực hiện cải tạo nhiều thư viện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa những năm qua), cũng cho rằng việc đề ra "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học" là một chủ trương, đường lối đúng đắn.

“Bản thân từ ‘giáo dục’ theo gốc Latinh là khơi dậy nỗ lực, tâm hồn và tinh thần sáng tạo. Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng để phát triển não phải. Kiến thức chúng ta học chỉ phát huy tiềm năng của não trái. Việc đọc sách tham khảo giúp trẻ phát triển toàn diện cả não phải và trái”, bà Kim Thoa nói.

Bà Thoa cho biết nếu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, sẽ không có cơ sở để phát triển nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn. Đứa trẻ khi đó sẽ chẳng khác nào một con robot và gặp nhiều khó khăn khi bước ra trường đời.

Theo CEO Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, việc hình thành nhân cách cho trẻ xuất phát từ việc đọc thêm nhiều sách. Nhiều cuốn sách tham khảo (truyện, sách kỹ năng, sách truyền cảm hứng...) chứa đựng “vô vàn nhân vật, câu chuyện hay về lối sống đẹp, sẽ tạo cảm hứng và ý chí cho các em".

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-ich-cua-viec-hoc-sinh-doc-sach-tham-khao-post1259709.html