Lợi ích hài hòa

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, vốn đang là 'điểm nghẽn' của nhiều lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5%, tương đương mức giảm trong giai đoạn COVID-19 bùng phát nặng nhất, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Xuất khẩu giảm khiến dòng tiền về chậm. Và vốn tín dụng hạn hẹp khiến các DN chế biến, xuất khẩu cạn tiền mua nguyên liệu. Cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ của các nhà băng giảm nhẹ, loanh quanh 8 - 9%/năm. Thế nhưng, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng phổ biến 10 -12%/năm, thậm chí có nhà băng kéo lên 13 - 14%/năm. Lãi vay như vậy là quá cao trong bối cảnh sụt giảm sản xuất, đơn hàng. Còn lãi suất cho vay bằng USD, theo một lãnh đạo VASEP, hiện trên 4%, tức tăng 1,7 - 1,9% so với trước.

Đó là căn cứ hợp lý để trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo NHNN đưa ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay với toàn ngành. Mức lãi suất đầu ra 13 -14%/năm, theo NHNN, là quá cao, đặc biệt trong bối cảnh DN rất khó khăn hiện nay. Một số ngân hàng bị lãnh đạo NHNN "điểm danh" vì cho vay cao và chênh lệch lớn với lãi suất đầu vào, làm ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất của toàn ngành.

Tại cuộc họp, một số ngân hàng thương mại đưa ra lý do “huy động chủ yếu trên thị trường dân cư với kỳ hạn dài nên lãi suất đầu ra cũng phải ở mức cao, để đảm bảo khả năng hoạt động và quản lý rủi ro”, “có tệp khách hàng đặc thù”, “cho vay tín chấp với rủi ro cao”… Lập luận của một số ngân hàng bị đánh giá chưa thỏa đáng, vì mấu chốt họ đang huy động lãi suất thấp, nhưng cho vay ra cao. Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ giám sát chặt các nhà băng trong điều chỉnh lãi suất, không để chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao như hiện nay.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay. Theo Thủ tướng, trong lúc người dân, DN gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”.

Với thị trường tài chính, Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng tín dụng nền kinh tế nên phải tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường. “Bằng nhiều biện pháp, các ngân hàng thương mại nhà nước cần giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền”, Thủ tướng nói. Việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào - đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, DN.

Một vài năm qua, do dịch COVID-19 và ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, nhìn chung người dân và DN rất khó khăn, nhưng không ít ngân hàng vẫn công bố những số liệu lãi “khủng”, lợi nhuận “kỷ lục”... Thực tế đó cho thấy nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” vẫn chưa được một số nhà băng chấp hành. Với chỉ đạo như trên của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo NHNN; cũng như sự hiểu biết và quyền lựa chọn của người dân và DN; nhất định thực tế ấy không được phép tiếp diễn.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/loi-ich-hai-hoa-post473798.html