Lợi ích kép từ vùng sản xuất tập trung

Hàng chục năm nay, người trồng mía ở vùng sản xuất tập trung có cuộc sống ổn định. Ảnh: MINH DUYÊN

Sản xuất tập trung gắn với các đơn vị tiêu thụ sẽ giúp đảm bảo đầu ra cho người dân, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Cùng với đó, các nhà máy có vùng nguyên liệu ổn định để chế biến. Từ đây, các chuỗi giá trị hàng hóa hình thành là nền tảng để sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nông dân không lo đầu ra

Theo Sở NN-PTNT, việc quy hoạch các nhà máy tiêu thụ hoạt động tại các vùng sản xuất tập trung vừa giúp đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động vừa ổn định đầu ra cho nông sản của người dân.

Theo ông Nguyễn Bông ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), ngày trước khi chưa có nhà máy thu mua mía, toàn bộ diện tích sản xuất của gia đình trồng sắn, bắp, thu nhập chỉ đủ chi phí phân thuốc, công lao động. Thậm chí, ông còn bị lỗ nếu gặp thời điểm giá bấp bênh, thương lái không thu mua hoặc ép giá. “Tới khi có nhà máy đường, gia đình tôi chuyển sang trồng mía, được thu mua toàn bộ. Tôi chỉ lo trồng cho năng suất cao mà không phải lo đầu ra. Diện tích sản xuất tăng từ 3ha lên 15ha, gia đình có thu nhập cao, ổn định. Mặc dù hiện nay, giá mía xuống thấp, nhà máy và người trồng mía gặp khó, xong người dân vẫn có chỗ bán. Tôi mong muốn nhà máy vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất để thu mua mía cho bà con”, ông Bông chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Văn Bảo ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), cho hay: Lúc đầu thấy mọi người trồng sen tôi cũng e ngại vì trồng ra không biết bán cho ai. Sau đó người dân cả xã, cả huyện trồng, cùng với đó những cơ sở thu mua, tách vỏ, chế biến, đóng gói mang đi tiêu thụ cũng xuất hiện ngày một nhiều nên sen vừa thu hoạch được đã có người tới hỏi mua. Tôi chẳng còn lo đầu ra mà yên tâm tìm giống mới cho năng suất cao để có thu nhập tốt hơn.

Lâu nay, gia đình Oi Khánh ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) trồng mía, sắn trên diện tích 4ha, có nhà máy tiêu thụ nên không lo đầu ra. “Giờ giá mía đang thấp, tôi chuyển sang trồng cây ăn trái để bắt kịp với quy hoạch nhân rộng diện tích cây ăn trái của huyện. Mình trồng theo quy hoạch của chính quyền thì không phải bận tâm việc tiêu thụ. Đầu ra ổn thì thu nhập của gia đình tôi cũng khá lên”, Oi Khánh nói.

Góp phần nâng cao giá trị nông sản

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất mía ở ba huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, có tổng diện tích hơn 20.000ha gắn với các nhà máy đường Tuy Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Vùng sản xuất sắn ở các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân có diện tích bình quân hàng năm hơn 13.000ha gắn với hai nhà máy sản xuất tinh bột sắn Sông Hinh và Đồng Xuân. Việc quy hoạch các nhà máy tiêu thụ hoạt động tại các vùng sản xuất tập trung vừa giúp đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động vừa ổn định đầu ra cho nông sản của người dân.

Tại huyện Đông Hòa, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND địa phương này, cho biết: Hiện toàn huyện có hơn 400ha đất chuyển đổi trồng sen. Tại các xã, thôn, bà con tập hợp thành các nhóm bóc vỏ hạt sen để cung cấp sen tươi cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như Khánh Hòa, Bình Định, TP Hồ Chí Minh… Nhiều hộ còn đầu tư máy chế biến các sản phẩm đóng gói như tâm sen, bột sen… Cây sen mang lại thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với trồng lúa và tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn mỗi khi vào vụ. Địa phương mong muốn thu hút được nhà máy chế biến sen quy mô lớn vào hoạt động để nâng cao chuỗi giá trị sen, giúp người trồng tăng thu nhập.

Trong khi đó, theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương khuyến khích người dân chuyển dần sang trồng cây ăn trái bên cạnh các cây công nghiệp truyền thống như một hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường. Hiện nhóm cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng hạt lép, cam, quýt, bưởi, mít thái, bơ giống mới, dừa, nhãn… được bà con trồng tập trung, diện tích tăng từ 80ha lên 500ha trong vòng 4 năm qua. Cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với các loại cây trồng khác. Do đó, việc quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung là cách đa dạng hóa sản phẩm nhằm hạn chế rủi ro cho người dân khi các loại cây trồng truyền thống gặp khó trên thị trường.

Việc quy hoạch vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp sản xuất được tập trung, tăng diện tích gieo trồng với một loại nông sản, tạo điều kiện nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, đầu tư công nghệ hiện đại, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho bà con. “Cùng với quá trình quy hoạch vùng sản xuất, tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tạo thành các chuỗi mắt xích quan trọng hỗ trợ nhau phát triển. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng tập trung triển khai xây dựng thương hiệu nông sản theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm làng nghề để tạo thêm chỗ đứng cho nông sản của bà con trên thị trường. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân”, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nói.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239207/loi-ich-kep-tu-vung-san-xuat-tap-trung.html