Lợi ích từ các trạm thu phát sóng di động thân thiện môi trường

Sự xuất hiện của các thu phát sóng di động thân thiện với môi trường (hay còn gọi là trạm BTS xanh) mang đến những cải thiện đáng kể về môi trường, sức khỏe và vấn đề quy hoạch.

Trong tương lai xa, các nhà mạng có thể dùng chung loại trạm BTS này nhằm tiết kiệm nguồn lực, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị.

Trạm BTS - bài toán khó trong quy hoạch

Nhiều năm gần đây, điện thoại di động trở thành vật bất ly thân của người dân thành phố. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà mạng đua nhau mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm nhiều trạm BTS. Nhìn ở mặt tích cực, ai cũng khẳng định đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu liên lạc thông suốt hơn. Tuy nhiên, các trạm BTS mọc lên ồ ạt, không quy hoạch, xen lẫn trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy hiểm .

Tại các thành phố lớn, cứ một quãng đường ngắn lại bắt gặp 2-3 trạm BTS của các nhà mạng khác nhau. Thậm chí, trong cùng một nóc tòa chung cư, mỗi nhà mạng sở hữu một trạm BTS riêng. Các trạm BTS mọc trên nóc nhà, tầng thượng không chỉ làm xấu cảnh quan đô thị mà còn gây nhiều khó khăn cho khâu quản lý, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân.

Việc xây dựng trạm BTS cần được tính toán không chỉ về vị trí mà còn phải đảm bảo sức khỏe của người dân sống xung quanh.

Việc đặt trạm BTS thế nào cho đúng và đẹp tại những thành phố lớn là thách thức với các nhà mạng vì không phải địa hình nào cũng có thể đặt trạm. Một trong những giải pháp được đề xuất là các nhà mạng dùng chung trạm BTS để tiết kiệm, tránh tình trạng đặt trạm lộn xộn. Tuy nhiên, bài toán này nhiều năm qua vẫn chưa tìm được lời giải vì nhiều lý do kỹ thuật, chi phí...

Đến năm 2017, sau khi chính quyền đưa ra các cơ chế khuyến khích nhà mạng đầu tư trạm BTS xanh có thiết kế thân thiện với thiên nhiên, tích hợp nhiều loại hình dịch vụ công cộng, MobiFone đã tiên phong lắp đặt thí điểm 10 trạm thu phát sóng dạng này tại Hà Nội.

Trạm BTS xanh - tiết kiệm, tiện lợi và hài hòa

Ý tưởng trạm BTS xanh ra đời khi MobiFone tìm cách xây dựng các công trình viễn thông bền vững, đảm bảo chất lượng dịch vụ và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trong thời gian xây dựng, nhà mạng này cũng gặp các vấn đề như không tìm được địa điểm xây trạm khiến một số khu vực sóng yếu, trạm đã xây xong không phù hợp với cảnh quan xung quanh, chưa thực sự an toàn khi mùa mưa bão đến.

Trạm BTS xanh được làm bằng thép cao 28 m, gồm phần lắp đặt ăng ten theo tiêu chuẩn mới: nhỏ, gọn, cách điệu hình lá sen. Trên thân trạm có hệ thống giá đỡ treo các biển thông tin để quảng bá hình ảnh địa phương. Bên dưới là bốt du lịch tích hợp bản đồ địa lý, bản đồ các tuyến xe buýt phục vụ người dân và du khách tra cứu thông tin.

Chân trạm có thể làm bồn hoa tô điểm thêm cảnh quan.

Với địa điểm xây dựng tại các vườn hoa, công viên, ngã tư..., công trình BTS xanh được đánh giá cao trong việc cải thiện không gian đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. So với các trạm BTS cũ, trạm BTS này có kiến trúc đẹp và an toàn hơn khi mưa bão. Việc đặt trạm ở khu vực công cộng cũng giảm được sự ảnh hưởng của sóng di động đến sức khỏe người dân.

“Chúng tôi chọn các vị trí đặt trạm là điểm hạn chế về sóng di động từ nhiều năm nay. Sau khi lắp đặt, người dân đều mừng vì tín hiệu sóng được cải thiện rõ rệt. Dù chi phí bỏ ra khá nhiều song chúng tôi tin tưởng công trình sẽ được sử dụng lâu dài, mang lại lợi ích cho MobiFone và cộng đồng”, đại diện MobiFone cho biết.

Trạm BTS xanh là bước đi mới của MobiFone dù chi phí xây dựng không hề thấp.

Sau khi triển khai xây dựng thành công tại Hà Nội, MobiFone đã xây dựng thêm các trạm BTS xanh tại Vinh, Bắc Ninh, Đồng Hới… Nhà mạng này kỳ vọng có thể cùng các nhà mạng khác dùng chung hạ tầng viễn thông tại các trạm BTS xanh đã được lắp đặt để tiết kiệm nguồn lực, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, hướng đến xây dựng đô thị văn minh tại Việt Nam.

Hân Trà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loi-ich-tu-cac-tram-thu-phat-song-di-dong-than-thien-moi-truong-post862043.html