Lời kể của những nạn nhân sống sót thần kỳ dưới đống đổ nát

Trong khoảng không gian chật hẹp, chiếc điện thoại trong tay Taha rung lên vì dư chấn, cậu nói: 'Tôi nghĩ đây là video cuối cùng tôi quay cho các bạn.'

Taha Erdem bên bố mẹ sau khi được cứu thoát. (Nguồn: Arab News)

Taha Erdem bên bố mẹ sau khi được cứu thoát. (Nguồn: Arab News)

Một học sinh trung học 17 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi lại tin nhắn từ biệt gửi đến những người thân yêu khi cậu còn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát của ngôi nhà sau trận động đất kinh hoàng.

Taha Erdem và gia đình đang ngủ say thì trận động đất mạnh 7,8 độ giáng xuống thành phố Adiyaman, quê hương họ, vào rạng sáng ngày 6/2.

Taha bị đánh thức đột ngột bởi những chấn động dữ dội làm rung chuyển tòa chung cư bốn tầng trong khu dân cư lao động nằm ở trung tâm thành phố.

Chỉ trong 10 giây, Taha, bố, mẹ và hai người em của cậu đã nằm dưới đống đổ nát của tòa nhà.

Taha cảm thấy đơn độc và bị mắc kẹt dưới hàng tấn gạch vụn. Những đợt dư chấn mạnh làm xô lệch các mảnh vỡ, ép chặt cậu trong không gian nhỏ hẹp giữa đống bêtông và các thanh sắt biến dạng. Lúc ấy, Taha lấy điện thoại ra và bắt đầu ghi âm lời từ biệt với hy vọng nó sẽ được phát hiện sau khi cậu qua đời.

Trong khoảng không gian chật hẹp, chiếc điện thoại trong tay Taha rung lên vì dư chấn, cậu nói: “Tôi nghĩ đây là video cuối cùng tôi quay cho các bạn.”

Thể hiện sự kiên cường và dũng cảm của một thiếu niên nghĩ rằng mình đang nói những lời trăn trối, Taha liệt kê các vết thương, kể về những điều cậu hối tiếc và cả những mong ước hy vọng có thể thực hiện nếu còn cơ hội sống. Ở đoạn đầu của video, người xem có thể nghe thấy tiếng la hét của những người bị mắc kẹt khác.

“Chúng tôi vẫn đang run rẩy. Các bạn ơi, cái chết đến vào lúc người ta không ngờ nhất,” Taha nói trước khi đọc một lời cầu nguyện của người Hồi giáo bằng tiếng Arab.

“Có rất nhiều thứ mà con hối tiếc. Xin Chúa tha thứ cho mọi tội lỗi của con. Nếu sống sót ra khỏi đây ngày hôm nay, có rất nhiều điều con muốn làm. Vâng, chúng con vẫn đang run rẩy. Không phải đôi tay con run lên mà đó là do động đất,” Taha cầu nguyện.

Trong video, Taha tiếp tục kể lại việc cậu tin rằng gia đình mình cùng nhiều người dân khác trong thành phố đã không qua khỏi và cậu sẽ sớm “đoàn tụ” với họ.

Thế nhưng may mắn, Taha là một trong số những người đầu tiên được cứu khỏi tòa nhà bị phá hủy. Cậu được những người hàng xóm cứu ra khỏi đống đổ nát hai giờ sau đó và đưa đến nhà một người dì.

Mười giờ sau trận động đất, cha mẹ và anh chị em của Taha cũng được cứu bởi người dân địa phương. Họ đã đào bới đống đổ nát của tòa nhà bằng tay không và bất cứ vật dụng nào có thể tìm thấy xung quanh.

Ngày 16/2, khi phóng viên của AP tới trò chuyện cùng gia đình Taha, họ đang sống trong một chiếc lều do chính phủ cấp, cùng với hàng trăm ngàn người người sống sót khác.

“Đây là nhà của tôi,” mẹ của Taha - chị Zeliha - vừa nói vừa nhìn theo những chiếc máy xúc đang đào bới và chất các mảnh vụ đổ nát lên những chiếc xe tải hạng nặng.

Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Bùm bùm bùm, tòa nhà đổ từng tầng xuống và đè lên chúng tôi,” chị Zeliha nhớ lại và mô tả việc hét tên con trai liên tục khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát với hy vọng rằng cả năm người họ có thể bên nhau như một gia đình ngay cả khi chết đi.

Những đứa con nhỏ trong gia đình Erdem - con gái Semanur 13 tuổi và con trai Yigit Cinar 9 tuổi - đều đang ngủ trong phòng của bố mẹ khi trận động đất xảy ra.

Về phần mình, Taha không thể nghe thấy tiếng gọi của mẹ qua khối bêtông. Chị Zeliha cũng không thể nghe thấy tiếng khóc của con trai mình trong bóng tối. Cả hai đều tin rằng người kia đã chết trong tòa nhà bị phá hủy.

Chỉ đến khi Zeliha, chồng cô - anh Ali - một nhân viên dọn dẹp tại bệnh viện và những đứa trẻ được đưa đến nhà chị gái thì họ mới biết Taha đã sống sót.

“Cả thế giới như xoay quanh tôi lúc đó”, Zeliha nói. “Tôi không còn gì cả nhưng tôi có những đứa con của mình,” chị chia sẻ thêm.

Câu chuyện của gia đình Erdem là một trong nhiều câu chuyện xúc động về sự dũng cảm của con người vươn lên từ vùng thảm họa. Nhiều người khác cũng đã kể lại một cách sống động nỗi kinh hoàng khi bị mắc kẹt bên dưới ngôi nhà đổ nát của họ.

Chia sẻ với AP, Ibrahim Zakaria, một người Syria 23 tuổi được giải cứu ở thị trấn ven biển Jableh của Syria, nói rằng anh ta sống sót nhờ liếm những giọt nước nhỏ giọt từ bức tường bên cạnh. Đã có lúc Ibrahim Zakaria rơi vào trạng thái mất ý thức và không còn hy vọng sống sót.

“Tôi gần như đầu hàng vì nghĩ rằng mình sẽ chết. Tôi nghĩ ‘Mình không còn đường sống’,” anh nói trên giường bệnh.

Tại thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, Adnan Muhammed Korkut, 17 tuổi, đã bị mắc kẹt bốn ngày trước khi được giải cứu. Chia sẻ với hãng thông tấn IHA, cậu bé nói rằng bản thân đã khát đến mức phải uống nước tiểu của chính mình.

Một trường hợp khác là Muhammet Enes Yeninar, 17 tuổi và anh trai 21 tuổi đã được cứu sau 198 giờ chôn vùi dưới đống đổ nát ở thành phố Kahramanmaras.

Yeninar kể lại vớ IHA rằng họ đã khóc trong hai ngày đầu tiên, chủ yếu là vì không biết liệu mẹ có còn sống sót hay không. Những ngày sau đó, họ bắt đầu an ủi nhau, nói những câu chuyện về tình anh em và ăn bột protein để duy trì sự sống.

Cũng ở Kahramanmaras, Aleyna Olmez, 17 tuổi, đã được giải thoát sau 248 giờ dưới đống đổ nát. “Tôi đã cố gắng giết thời gian một mình,” cô bé nói.

Những câu chuyện về sự sống phi thường thường xuất hiện trong thảm họa, đặc biệt là sau các trận động đất, khi truyền thông thế giới ghi nhận cơ hội tìm kiếm người còn sống sót trở nên mong manh qua từng giờ.

Sau trận động đất ở Haiti năm 2010, một cô bé 16 tuổi đã được giải cứu ở Port-Au-Prince 15 ngày sau khi trận động đất tàn phá thành phố nơi cô sống.

Đến năm 2013, một người phụ nữ mắc kẹt dưới tòa nhà bị đổ sập ở Dhaka, Bangladesh cũng đã được giải cứu sau 17 ngày./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/loi-ke-cua-nhung-nan-nhan-song-sot-than-ky-duoi-dong-do-nat/846984.vnp