Lời kể của thân nhân vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt ở Bắc Kạn

'Tôi thấy vô lý quá vì tôi đã cùng gia đình đưa dì tôi về nghĩa trang gia đình năm 1973, đủ hết hài cốt. Cả chính quyền địa phương đều biết mà', thân nhân liệt sĩ Đoàn Thị Nga bức xúc.

Sẽ khai quật lại khu vực an táng ban đầu

Ngày 5/12, Văn phòng Bộ LĐTB&XH thông tin về việc 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt. Nội dung này dựa trên báo cáo của cơ quan chức năng địa phương trong quá trình rà soát làm rõ sự việc.

Theo đó, ngày 9/8/1968, đập hồ Tân Minh bị vỡ. 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 933, Đội 92 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Bắc Thái đã hy sinh do bị nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ đắp đập theo huy động của cấp có thẩm quyền.

Theo thông tin thu thập được, 13 chiến sĩ được chôn cất ban đầu tại đồi Nà Cóc, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Sau đó, lực lượng chức năng quy tập các mộ này lần 1 vào Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông (cũ) trước năm 1980.

Đến năm 1990, sau khi Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ được UBND tỉnh Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên cũ) khánh thành, 13 mộ liệt sĩ được di chuyển lần 2 sang nghĩa trang liệt sĩ mới. Nhưng quá trình an táng đã làm mất thông tin, hiện không tìm thấy hồ sơ quy tập của lần này.

Cơ quan chức năng phát hiện đất đá trong mộ liệt sĩ.

Cơ quan chức năng phát hiện đất đá trong mộ liệt sĩ.

Trên sơ đồ Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông mới do Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Thái lập ngày 10/9/1990 có ghi số mộ liệt sĩ chống Mỹ từ số 97 đến 110. Qua nắm bắt thông tin, địa phương biết được số mộ liệt sĩ trên là mộ của các thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Tân Minh.

Để xác định danh tính hài cốt cho 13 liệt sĩ và 1 ngôi mộ chưa có tên, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn xin ý kiến Cục Người có công, khai quật toàn bộ 14 mộ nêu trên để giám định ADN.

"Tuy nhiên, quá trình khai quật cho thấy chỉ có ngôi mộ số 99 còn nguyên cốt và có tiểu. Còn lại các ngôi mộ từ 97 đến 110 không có cốt, có túi nilon nhưng bên trong chỉ toàn đất đá, không có tiểu", văn bản báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn nêu rõ.

Mộ một liệt sĩ không có hài cốt tại nghĩa trang Bạch Thông.

Trước tình hình trên, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, địa phương sẽ thành lập một Tổ công tác giải quyết vụ việc. Trước mắt, phải khẩn trương tìm kiếm hồ sơ lưu trữ tại 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; tìm kiếm nhân chứng, xác định đơn vị, cá nhân tiến hành quy tập, bởi hiện việc xác định nguyên nhân sai sót do lần quy tập ban đầu hay do chuyển nghĩa trang lần 2 năm 1989 vẫn cần có thời gian. Bên cạnh đó, có thể sẽ mời chuyên gia đánh giá mẫu vật trong các ngôi mộ được cất bốc, đồng thời khai quật lại khu an táng ban đầu.

"Có thể xác minh trên thực địa thực tế một số vị trí chôn cất ban đầu để xem thực hư như thế nào, chúng tôi làm tất cả mọi phương án có thể để sớm tìm ra câu trả lời chính xác nhất vụ việc này", ông Hưng nói.

Gia đình liệt sĩ biết được sự việc khi xem truyền hình

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Viết Đoàn (xã Nông Thượng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) - thân nhân của liệt sĩ Đoàn Thị Nga (sinh năm 1947, mất ngày 15/7/1968 Âm lịch, là một trong số 13 liệt sĩ đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại đập Tân Minh) chia sẻ, ông và toàn thể gia đình không mảy may biết là có một ngôi mộ khác của liệt sĩ Đoàn Thị Nga, nằm cùng dãy 12 ngôi mộ khác của các liệt sĩ thanh niên xung phong, đều gắn bảng vô danh trên nghĩa trang Bạch Thông.

Gia đình liệt sĩ Đoàn Thị Nga bức xúc trước sự việc.

"Cho đến khi vô tình xem trên truyền hình, tôi nhận thấy tại nghĩa trang Bạch Thông có 13 ngôi mộ của liệt sĩ thanh niên xung phong, trong đó có mộ của dì tôi là bà Đoàn Thị Nga. Mà trong mộ lại toàn nilon bọc đất đá.

Tôi thấy vô lý quá vì tôi đã cùng gia đình đưa dì tôi về nghĩa trang gia đình năm 1973, đủ hết hài cốt. Cả chính quyền địa phương đều biết. Ngôi mộ của dì tôi, hài cốt của dì tôi là gia đình đang quản lý tại nghĩa trang gia đình. Năm nào thắp hương, tôi cũng chỉ lên thắp hương ở mộ của dì tôi ở nghĩa trang gia đình", ông Đoàn khẳng định.

Ông Đoàn khẳng định, năm 1973, gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ Đoàn Thị Nga về nghĩa trang quê nhà chôn cất.

Ông Đoàn cũng chia sẻ, liệt sĩ Đoàn Thị Nga hy sinh năm 21 tuổi, khi ấy còn chưa lấy chồng.

"Ông bà tôi vô cùng đau xót, ông chỉ ngồi khóc. Nghe tin dì tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, ông tôi lập tức đi bộ 13 cây số đến xã Thanh Vận để nhận thi thể. Ông ngoại tôi (bố đẻ liệt sĩ) đã chính tay chôn cất con, cũng chính tay mang hài cốt của con về gần gia đình. Giờ ông bà tôi cũng đã mất", ông Đoàn rưng rưng nói.

Thi thể bọc trong nilon sau 50 năm xương vẫn còn nhiều

Một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự phía Nam cho biết: "Phải tùy vào tình hình thực tế thì mới có thể xác định hài cốt người phân hủy như thế nào, theo môi trường tồn tại: Môi trường khô thì khác, môi trường ướt thì khác. Nếu thi thể chôn cất không bao nilon, không quan tài, không gì hết lại chôn ở vùng ẩm, ngập nước thì thời gian phân hủy sẽ nhanh hơn... Nếu thi thể chôn trong môi trường khô thì tồn tại lâu hơn. Thời tiết lạnh, đóng băng thi thể khó phân hủy. Với tầm thời gian 50 năm, da thịt có thể phân hủy, một số xương xốp như xương sườn có thể phân hủy nhưng khả năng cao một số xương rắn chắc như xương sọ, xương đùi vẫn còn. Nếu thi thể bọc trong bao nilon được bảo quản kỹ thì sau thời gian 50 năm xương vẫn còn lại nhiều".

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/loi-ke-cua-than-nhan-vu-13-mo-liet-sikhong-co-hai-cot-o-bac-kan-20191205162553386.htm